Các doanh nghiệp làm cách nào để ứng phó hiệu quả với các vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ với sản phẩm thép
Song song với việc gia tăng các biện pháp PVTM, các nước cũng đã có những hành động nhằm giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu sau khi biện pháp được áp dụng để phát hiện các hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, dịch chuyển đầu tư. Trong trường hợp phát hiện hành vi “lẩn tránh” bất hợp pháp, nước áp dụng biện pháp PVTM có xu hướng áp dụng luôn biện pháp này cho hàng hóa tương tự của quốc gia mà tại đó hành vi lẩn tránh xảy ra, gây ảnh hưởng liên đối tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
Lẩn tránh biện pháp PVTM có thể hiểu là hành vi thay đổi nguồn gốc hoặc loại hàng hóa để tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng, từ đó làm giảm hiệu quả các biện pháp này. Đối với Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra “lẩn tránh thuế” đối với hàng hóa xuất khẩu thường thuộc các trường hợp: (i) hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế PVTM; (ii) hàng hóa của nước ngoài lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) không quy định cụ thể về hành vi lẩn tránh, pháp luật về các hành vi lẩn tránh “bất hợp pháp” của các nước cũng rất khác nhau và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho việc tuân thủ của các doanh nghiệp.
Trong số 22 vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 06 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Thép là một trong những sản phẩm xuất khẩu có nhiều chủng loại với kim ngạch hàng năm khoảng 4,2 tỷ USD năm 219, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ khoảng 300 triệu USD, chiếm tỷ lệ 7,4% trong tổng xuất khẩu thép của Việt Nam.
Đa số các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 05 vụ việc. Trong tất cả các vụ việc nói trên, Hoa Kỳ đều kết luận thép CORE và CRS của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ là lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ đang áp dụng do mức độ đầu tư; chuyển đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm thép này tại Việt Nam là không đáng kể. Với kết luận tồn tại lẩn tránh thuế, Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cần lưu ý, theo quan điểm của Hoa Kỳ, mục tiêu áp thuế chống lẩn tránh không phải là thép của Việt Nam mà để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng. Sản phẩm thép được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Do đó, trên thực tế, kết luận của các vụ việc chống lẩn tránh không tác động đáng kể đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới nếu chúng ta phát triển được các ngành thượng nguồn (sản xuất đầu vào).
Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thông qua việc trao đổi, làm việc trực tiếp với các cơ quan điều tra, thực tiễn các vụ việc điều tra gian lận xuất xứ, chống lẩn tránh biện pháp PVTM đã cho thấy sự chuẩn bị, tham gia của các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt. Cụ thể, các doanh nghiệp cần:
- Nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra, các nhóm mặt hàng thường bị kiện. Có thể thấy, nguy cơ bị điều tra về gian lận xuất xứ, lẩn tránh đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của ta như Hoa Kỳ, EU, Ca-na-đa, v.v;
- Không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp: thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ “mất” toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Bên cạnh đó, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài doanh nghiệp làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính;
- Có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện PVTM khi xây dựng chiến lược xuất khẩu;
- Tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước: trong thời gian qua, các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Ca-na-đa thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn. Trong nhiều trường hợp, cơ quan điều tra (như Cơ quan Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ) có thể chủ động điều tra mà không công bố công khai. Quy định về “chuyển đổi đáng kể” hay yêu cầu “hợp tác”, “cung cấp thông tin” cũng có thể thay đổi qua từng vụ việc, do đó các doanh nghiệp cần tìm hiểu để kịp thời nắm bắt các thay đổi này.
- Chủ động hoàn thiện hệ thống quản lý, số liệu để đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về thông tin, đồng thời cần hợp tác tối đa với của cơ quan liên quan tại nước nhập khẩu trong các vụ việc điều tra. Thực tiễn cho thấy sự phối hợp, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp đóng vai trò quyết định để đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp, ngành sản xuất trong nước.
- Xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và đa phương hóa thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.
- Có chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu trong nước.
- Sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết.