Algeria chuẩn bị cho việc thực thi FTA lục địa châu Phi
Từ ngày 1/1/202, các nước châu Phi đã bắt đầu thực thi chính thức Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), sau nhiều tháng trì hoãn do đại dịch COVID-19. AfCFTA là khối kinh tế có quy mô 3.400 tỷ USD ở một khu vực có 1,3 tỷ dân và là hiệp định thương mại tự do lớn nhất về số thành viên kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới ra đời.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thời điểm hiệu lực này chủ yếu mang tính biểu tượng, còn việc thực thi đầy đủ sẽ mất nhiều năm. Algeria là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thành lập AfCFTA tại kỳ họp bất thường lần thứ 10 Hội nghị thượng đỉnh các Nguyên thủ quốc gia và Người đứng đầu chính phủ của Liên minh châu Phi vào tháng 3/2018.
Ngày 24/9/2020, Quốc hội Algeria đã nhất trí thông qua dự luật về phê chuẩn Hiệp định thành lập Khu vực tự do mậu dịch lục địa châu Phi (AfCFTA) ký ngày 21/3/2018 tại Kigali (Rwanda).
Phát biểu nhân dịp này, ông Rezig, Bộ trưởng Thương mại Algeria khẳng định việc tham gia AfCFTA sẽ cho phép Algeria tận dụng những tiềm năng và cơ hội sẵn có tại lục địa châu Phi.
Ngày 5/12/2020, trong bài phát biểu tại phiên họp bất thường lần thứ 13 Hội nghị các Nguyên thủ quốc gia và Người đứng đầu chính phủ của Liên minh châu Phi (AU) tổ chức trực tuyến, ông Abdelaziz Djerad, Thủ tướng Algeria đã tái khẳng định AfCFTA là «một lựa chọn chiến lược » đối với quốc gia Bắc Phi này đồng thời kêu gọi các nước thành viên «nỗ lực nhiều hơn để đạp bằng những khó khăn còn tồn tại và giải quyết các vấn đề còn dang dở ».
Những khó khăn và vấn đề có thể ảnh hưởng đến việc thực thi AfCFTA gồm quy tắc xuất xứ, thuế quan và danh sách các cam kết liên quan đến thương mại dịch vụ.
Thủ tướng cũng bảo đảm rằng Algeria đang hoàn tất việc soạn thảo các bản chào thuế quan về thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như các bản chào sơ bộ về những lĩnh vực ưu tiên trong thương mại dịch vụ của Algeria.
Nhận thức được tầm quan trọng của tính bổ sung giữa các nền kinh tế châu Phi, Algeria là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thành lập AfCFTA tại kỳ họp bất thường lần thứ 10 Hội nghị thượng đỉnh các Nguyên thủ quốc gia và Người đứng đầu chính phủ vào tháng 3/2018. Trước đó, nước này cũng tham gia đều đặn tất cả các cuộc họp ở mọi cấp ngay khi AU khởi động các cuộc đàm phán từ năm 2016.
Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập khu vực, Algeria đã triển khai các dự án về logistics như sa lộ xuyên sa mạc Sahara nối thủ đô Alger với thành phố Lagos của Nigeria, đường ống dẫn khí giữa Algeria và Nigera, đường cáp quang Alger-Abuja và cảng biển Cherchel với vai trò là trung tâm kết nối vận tải biển trong khu vực.
Hiện nay, khối lượng trao đổi thương mại của Algeria với các nước châu Phi vẫn còn rất thấp, không vượt quá 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này. Algeria đứng vị trí thứ 20 trong số các quốc gia trong khu vực xuất khẩu sang châu Phi, chiếm 0,4% tổng giá trị nhập khẩu của lục địa đen. Các giao dịch thương mại này chủ yếu thực hiện với các nước Bắc Phi, thành viên của Khu vực thương mại tự do Ả rập.
Theo Bộ trưởng Thương mại Algeria, sở dĩ quan hệ thương mại giữa Algeria với châu Phi còn thấp là do phần lớn các nước không tham gia các cộng đồng kinh tế châu Phi, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Algeria khi phải chịu mức thuế quan cao từ 45 đến 65%.
Mặc dù có những rào cản, song các nhà xuất khẩu Algeria vẫn quan tâm đến thị trường châu Phi do các sản phẩm Algeria đã thâm nhập vào 24 nước trong khu vực giai đoạn từ 2016 đến 2019. Kim ngạch hai chiều giữa Algeria và các nước châu Phi đã có bước nhảy vọt từ 78 triệu USD năm 2016 lên 830 triệu USD năm 2019 (tăng 964%).
Bộ trưởng Thương mại Algeria cho biết thêm, Algeria đã xây dựng một chiến lược quốc gia về xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm ngoài dầu khí và hội nhập kinh tế với châu Phi nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước. Quốc gia Bắc Phi này sẽ được hưởng lợi từ tổng GDP của cả lục địa ước tính trị giá 2.500 tỷ USD và một thị trường 3000 tỷ USD.
Về phần mình, chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại, Hợp tác và Di cư Quốc hội Algeria khẳng định việc ký hiệp định này giúp các nước châu Phi có vị thế cao hơn khi đàm phán với các cộng đồng kinh tế châu lục khác và tham gia sâu hơn vào nền kinh tế thế giới nhờ những tiềm năng và sự giàu có của châu Phi.
Đối với Algeria, dự án này sẽ tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế thực sự, mở ra những viễn cảnh to lớn để trở thành một tác nhân có ảnh hưởng trong các quyết định quốc tế quan trọng và mang tính cốt lõi.
AfCFTA đã được 54 trong số 55 quốc gia thành viên Liên minh châu Phi ký kết (trừ Eritrea). 34 quốc gia trong số đó đã phê chuẩn FTA tính đến đầu tháng 12/2020. AfCFTA sẽ tạo ra một thị trường chung cho hàng hóa và dịch vụ, với hy vọng thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia thành viên. Năm 2017, trao đổi thương mại giữa các nước châu Phi chỉ chiếm 16,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu của khu vực này, so với 68% ở châu Âu và 59% ở châu Á. Theo các chuyên gia của Liên minh châu Phi (AU), việc thực hiện AfCFTA sẽ giúp tăng 52% trao đổi thương mại giữa các nước châu Phi trong vòng 2 năm tới. Hiệp định sẽ hướng tới các mục tiêu thành lập một liên minh thuế quan lục địa, xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hóa nội châu Phi, hỗ trợ trong việc di chuyển vốn và con người giữa các quốc gia, tạo thuận lợi cho đầu tư bên ngoài và giảm bớt các hàng rào phi thuế quan cũng như rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Các nước phải từng bước xóa bỏ 90% các dòng thuế theo lộ trình 5 năm đối với các nền kinh tế đang phát triển và 10 năm đối với các nền kinh tế kém phát triển. 7% các dòng thuế nhạy cảm sẽ mất nhiều thời gian hơn, trong khi 3% được phép đưa vào danh sách loại trừ. |