Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - yếu tố quan trọng trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng thông qua ban hành nhiều chính sách liên quan việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả toàn xã hội.
Đầu tiên phải kể đến là Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành năm 2010 cùng với một hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được triển khai trong giai đoạn 2006-2015 đã giúp tiết kiệm được trên 15 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Tiếp nối là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu đề ra: tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).
Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 đã được phê duyệt với mục tiêu rõ rệt là tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ.
Gần đây nhất, sự ra đời và triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 cho thấy tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam tới lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 8 - 10% tổng năng lượng tiêu thụ so với kịch bản phát triển bình thường đến năm 2030, giới chuyên gia cho rằng cần thực hiện song song nhiều giải pháp. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu nằm ở việc cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cải thiện hành vi sử dụng điện/năng lượng đối với từng nhóm đối tượng cụ thể với nhiều hình thức khác nhau như người lao động, cộng đồng dân cư, khách du lịch, học sinh - sinh viên… với sự vào cuộc của nhiều đoàn thể, tổ chức xã hội.
Tại Quyết định số 280/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình tại địa phương, trong đó nêu rõ lộ trình, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo thẩm quyền; bố trí kinh phí thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng, tiến độ… thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại địa phương.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích và khen thưởng đặc thù đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Tổ chức, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn. Chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nội dung chương trình thuộc nhiệm vụ do địa phương quản lý.
Xây dựng định mức sử dụng
Có thể thấy, Nghị quyết 55/NQ/TW định hướng việc phát triển ngành năng lượng trong giai đoạn tới, trong đó, cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.
Cùng với đó là Nghị quyết số 140/NQ-CP của Chính phủ ngày 2/10/2020 ban hành Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 55 NQ/TW, Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/3/2019 về Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 và nhiều chương trình hành động cụ thể đã cho thấy chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng cần được xây dựng bài bản, lồng ghép vào trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia, cũng như chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Thông qua phát động phong trào về sáng kiến, cải tiến kỹ thuật về tiết kiệm điện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong doanh nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lựa chọn, ứng dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật, thiết bị, vật liệu, nguyên liệu đầu vào... có hiệu quả sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm điện khi cải tạo, mở rộng, đầu tư mới, chuyển đổi công năng. Có cơ chế thu hút đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng hiệu quả; yêu cầu về mua sắm trang thiết bị có hiệu suất sử dụng điện/năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng… đối với nguồn vốn từ ngân sách. Đồng thời, mở rộng quy định pháp luật liên quan đến việc quy định định mức sử dụng năng lượng trong sản xuất, kinh doanh...
Trải qua những khó khăn thực tế, Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực để duy trì những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà trong đó, ngành năng lượng tiếp tục là mạch máu, đóng vai trò then chốt hơn cả, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid-19.
Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được lồng ghép vào trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, kế hoạch chiến lược đổi mới công nghệ, kỹ thuật quốc gia, cũng như chiến lược về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.