Xuất khẩu tôm đạt 2,58 tỷ USD
Giá trị XK tôm vẫn tiếp tục tăng là nhờ nhu cầu vẫn tốt từ các thị trường nhập khẩu (NK) với giá trị tăng trưởng từ 3 thị trường NK lớn: Mỹ, EU, Trung Quốc.
Theo thông tin từ Vasep, tháng 10/2016, XK tôm Việt Nam tăng 6% so với tháng 9/2016 đạt trên 337 triệu USD và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2016.
Tình hình nuôi tôm nước lợ trong tháng khá ổn định, thời tiết thuận lợi, giá tôm nguyên liệu không có biến động, nhiều người nuôi có lãi do sản lượng đạt khá. Ước diện tích nuôi tôm nước lợ 10 tháng đầu năm đạt 678 ngàn ha, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (trong đó: tôm sú là 596 ngàn ha, tôm chân trắng đạt 82 ngàn ha), sản lượng đạt 433 ngàn tấn, tăng 1,7% so với 10 tháng 2015 (tôm sú là 203 ngàn tấn, tôm chân trắng là 230 ngàn tấn). Riêng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, diện tích tôm sú ước đạt 565.611 ha (+1,7%), sản lượng ước đạt 195.114 tấn (-4,4%). Diện tích tôm chân trắng ước đạt 65.297 ha, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 193.397 tấn (+14,1%).
Tính tới tháng 10 năm nay, trong tổng XK tôm Việt Nam, tỷ trọng XK tôm chân trắng tăng 3% trong khi tỷ trọng XK tôm sú và tôm biển giảm lần lượt 3% và 0,3%. Tôm chân trắng sống/ tươi/đông lạnh (HS 03) là sản phẩm XK chiếm giá trị cao nhất của Việt Nam với trên 851 triệu USD.
Trong giai đoạn này, giá trị XK các sản phẩm tôm chân trắng của Việt Nam tăng 11% trong khi XK các sản phẩm tôm sú giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. XK tôm sú giảm có thể do vấn đề nguồn cung. Trong tổng XK tôm, giá trị XK tôm chân trắng chế biến (HS 16) tăng tốt nhất 13% trong khi giá trị XK tôm biển giảm mạnh nhất 65% tuy nhiên chỉ chiếm giá trị nhỏ.
10 tháng đầu năm nay, XK sang top 5 thị trường chính vẫn tăng trưởng khả quan trừ Nhật Bản giảm 2,6%. XK sang Trung Quốc tăng tốt nhất 24,7%; XK sang Mỹ, EU, Hàn Quốc tăng lần lượt 12,6%; 6,7% và 12,4%. XK sang các thị trường nhỏ hơn đều giảm từ 0,2% - 24,5%.
Mặc dù XK sang 2 thị trường quan trọng là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng dương trong 10 tháng đầu năm nay tuy nhiên tháng 10/2016, XK tôm sang 2 thị trường này lần lượt giảm 1,1% và 9,4% so với cùng kỳ năm 2015. XK tôm sang Mỹ giảm trong tháng 10 có thể là do áp lực tâm lý từ kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cao trong POR10. XK tôm sang Trung Quốc giảm trong tháng 10 do kinh tế Trung Quốc bất ổn, nhân dân tệ mất giá.
Ngược lại, XK sang Nhật Bản giảm 2,6% trong 10 tháng đầu năm nay tuy nhiên XK sang thị trường này trong tháng 10/2016 phục hồi rõ rệt 8,7%. Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và EU chiếm tỷ trọng 18,3% tổng XK tôm của Việt Nam.
Dự kiến, XK tôm Việt Nam năm 2016 đạt khoảng 3,1 tỷ USD; tăng 3,3% so với năm 2015.
Hồng Hạnh