Xuất khẩu sang Trung Đông năm 2012: Bất chấp khó khăn, kim ngạch tăng 65%
Từ ngày 01/7/2012, Liên minh châu Âu đã chính thức áp đặt biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, 27 nước thành viên EU đã ngừng tất cả các hợp đồng mua dầu của Iran, trong khi Mỹ tiếp tục gây sức ép lên các khách hàng châu Á mua dầu của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản và đề nghị tìm nguồn cung khác. Trong quý III/2012, lần đầu tiên Iran đã công khai thừa nhận khả năng xảy ra một cuộc xung đột vũ trang với I-xra-en.
Các biện pháp trừng phạt Iran của Liên Hợp quốc, EU, Mỹ đã khiến cho hoạt động của hệ thống ngân hàng và xuất khẩu dầu mỏ của Iran gặp trở ngại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế và đời sống của người dân nước này. Tháng 12/2012, Chính phủ I-ran đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu 2.000 mặt hàng xa xỉ, trong đó có điện thoại di động, máy tính xách tay, ô tô… nhằm duy trì nguồn dự trữ ngoại tệ.
Tại Xy-ri, xung đột tiếp tục leo thang, các cuộc bạo lực kéo dài 20 tháng qua vẫn chưa kết thúc. Chính phủ Xy-ri tiếp tục sử dụng các biện pháp an ninh, giao tranh dữ dội với phe đối lập và từ chối tất cả các giải pháp, trong đó có sáng kiến của Liên đoàn Arab, đã khiến cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với một bi kịch nhân đạo nghiêm trọng tại Xy-ri. Tương tự, tình hình tại I-rắc vẫn chưa ổn định do bởi các vụ tấn công bạo lực liên tiếp xảy ra trong năm 2012. Tại Cô-oét, tình hình chính trị xã hội bất ổn do mâu thuẫn giữa Quốc hội và Chính phủ, xen kẽ nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền. Y-ê-men hiện vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự tranh chấp giữa các phe phái có quyền lực quân sự. Tình hình tranh giành quyền lực chính trị và bất ổn an ninh dự kiến sẽ còn kéo dài tại Y-ê-men.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình tại khu vực có nhiều khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông năm 2012 vẫn tăng mạnh với kim ngạch đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2011.
Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) là thị trường xuất khẩu dẫn đầu của Việt Nam tại khu vực với kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD, tăng 133% so với năm trước. UAE được biết đến là một đất nước phát triển năng động tại khu vực Trung Đông, có Dubai (một trong 7 Tiểu vương quốc) là trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng trong khu vực. GDP của UAE tăng 3,5% trong năm 2012. Lợi thế của UAE là có tình hình chính trị xã hội ổn định, có cơ sở hạ tầng hiện đại (hệ thống đường bộ, cảng biển và sân bay quốc tế kết nối các tuyến đường giao thương giữa các Châu lục Á-Âu-Phi và trong khu vực Trung Đông), có vị trí địa lý thuận tiện để trở thành trung tâm thương mại và tái xuất lớn nhất trong khu vực. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này gồm: điện thoại di động (đạt trị giá lớn nhất là 1,5 tỷ USD và chiếm 71,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sang UAE), máy vi tính và linh kiện điện tử (chiếm hơn 7%), nông sản các loại như hạt điều, chè, gạo, hạt tiêu, rau quả (chiếm 5%), dệt may (chiếm 3%), thủy sản (chiếm 2,4%), giày dép (chiếm hơn 2%), và một số mặt hàng khác có trị giá xuất khẩu tương đối lớn như bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, gỗ và sản phẩm gỗ. Ngược lại, mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ UAE gồm có thức ăn gia súc, khí đốt hóa lỏng, sản phẩm hóa chất, phân bón các loai, trong đó riêng mặt hàng chất dẻo nguyên liệu đạt 775,2 triệu USD và chiếm 87% so với tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đứng vị trí thứ hai xét về kim ngạch là thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2012, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng của suy thoái tại khu vực đồng Euro. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2012 chỉ đạt mức 2,9%. Trong thời gian qua, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ luôn nỗ lực cải thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thân thiện, cởi mở cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tăng cường khả năng cạnh tranh và kiềm chế lạm phát là những ưu tiên hàng đầu của quốc gia này. Trong năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 862,7 triệu USD, tăng 11,6% so với năm trước đó. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ gồm: thủy sản, hạt tiêu, gạo, chất dẻo nguyên liệu, máy móc, thiết bị, điện thoại các loại, dệt may, giầy dép, trong đó, đáng chú ý là, mặt hàng xơ và sợi dệt đạt kim ngạch cao 339,6 triệu USD (chiếm 39,4% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này). Cũng trong năm 2012, Việt Nam nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 90 triệu USD, chủ yếu gồm các mặt hàng như lúa mỳ, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, sản phẩm chất dẻo, vải, sắt, thép,... Trong cán cân thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam gần như ở thế xuất siêu tuyệt đối.
Tiếp đến là thị trường Ả-rập Xê-út. Đây là nước có môi trường kinh doanh tương đối ổn định. Sản lượng dầu thô của Ả-rập Xê-út năm 2012 tăng mạnh, cùng với giá dầu tăng đã khiến quốc gia này đạt doanh thu kỷ lục ở mức 288 tỷ USD. Ả-rập Xê-út vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá cao, khoảng 6% theo báo cáo của OECD. Thời gian gần đây, cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam và Ả-rập Xê-út đã có thêm nhiều thông tin về thị trường của nhau thông qua các cuộc Hội thảo chuyên đề giới thiệu về thị trường diễn ra tại mỗi nước. Hai nước cũng đã trao đổi một số đoàn cấp cao, cấp Bộ, ngành và doanh nghiệp đi thăm và làm việc tại mỗi nước. Những hoạt động này đã góp phần đẩy mạnh quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương, tạo đà cho hoạt động thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2012, tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam - Ả-rập Xê-út đạt xấp xỉ 1,5 tỷ USD, tăng 42,5% so với năm ngoái, trong đó Việt Nam xuất khẩu khoảng 600 triệu USD, tăng 130% so với năm ngoái; nhập khẩu khoảng 886 triệu USD, tăng 13% so với năm ngoái. Khoảng cách nhập siêu của Việt Nam trong cán cân thương mại với Ả-rập Xê-út đã được thu hẹp đáng kể từ mức 519,9 triệu USD trong năm 2011 (cao nhất trong giai đoạn từ năm 2006 trở lại đây) xuống còn 286 triệu USD năm 2012. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường này gồm: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, hàng dệt, may, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, chè, sắt thép các loại ... Ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu gồm: khí đốt hóa lỏng, sản phẩm hóa chất, hóa chất, hàng thủy sản,... trong đó nhập khẩu nhiều nhất là chất dẻo nguyên liệu với 775,2 triệu USD và chiếm 87,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Đứng vị trí thứ tư là thị trường I-xra-en. Mặc dù mối quan hệ chính trị giữa I-xra-en và các nước láng giềng trong khu vực như I-ran và Palestine năm 2012 tiếp tục căng thẳng, nền kinh tế I-xra-en trong năm 2012 tăng trưởng chậm hơn so với năm 2011 (GDP ước tăng 3,3%), nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang I-xra-en tăng gấp đôi so với năm trước, đạt khoảng 279,3 triệu USD, trong khi đó, nhập khẩu từ I-xra-en đạt 158,9 triệu USD, giảm 32%. Cán cân thương mại giữa hai nước đã có sự thay đổi rõ rệt. Việt Nam chuyển từ thế nhập siêu sang xuất siêu. Về cơ cấu hàng hóa trao đổi, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang I-xra-en xếp theo trị giá từ cao đến thấp gồm thủy sản, hạt điều, cà phê, giày dép, hàng dệt may... Đây là các sản phẩm xuất khẩu ổn định và có mức tăng trưởng khá nhanh vào thị trường này. Gần đây cũng xuất hiện mặt hàng điện thoại di động có kim ngạch xuất khẩu cao nhưng chưa thực sự ổn định. Ngược lại Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ I-xra-en các mặt hàng như phân bón các loại và thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị công nghệ cao, hóa chất và dược phẩm. Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua cũng đã được Chính phủ hai nước quan tâm, chú trọng phát triển. Việc Nạp Tiền 188bet Việt Nam và cơ quan đối tác tại I-xra-en tổ chức Hội thảo giao thương trực tuyến đã góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước kết nối giao thương, tăng cường nắm bắt thêm các thông tin về nhau, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường còn lại trong khu vực như: Ô-man, Cô-oét, I-ran, I-rắc, Ca-ta, Xy-ri, Y-ê-men, Palestine, Ba-ranh, Giooc-đa-ni, Li-băng trong năm 2012 còn hạn chế, với kim ngạch dao động từ vài triệu đến vài chục triệu USD, ngoại trừ xuất khẩu sang I-rắc đạt kim ngạch 158,9 triệu USD (trong đó hơn 110 triệu USD là giá trị xuất khẩu của nhóm mặt hàng sữa và sản phẩm sữa).
Trong thời gian tới, để tiếp tục tranh thủ khai thác tiềm năng thị trường Trung Đông, cùng với sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước, một mặt, các doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như thủy sản, nông sản, dệt may, giày dép sang thị trường khu vực, mặt khác cần nghiên cứu đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng mới mà các nước này có nhu cầu lớn như: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, sản phẩm sắt thép, vật liệu xây dựng,v.v...