Việt Nam - Úc thúc đẩy cơ hội hợp tác trong lĩnh vực len sợi
Trưởng đoàn Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Phan Văn Bản cho biết ngành dệt may có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, với hơn 1,1 triệu lao động, giá trị xuất khẩu trong năm 2014 đạt 23 tỉ đô la Mỹ. Khoảng 60% nguyên liệu phụ trợ cho ngành dệt may phải nhập từ nước ngoài và công nghệ hỗ trợ cho ngành này còn chưa nhiều. Hiện Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng đầu tư nước ngoài như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, giảm thời gian tiếp cận dịch vụ, v.v…
Đại diện Hiệp hội Len Úc, ông Rajesh Bahl, cho biết sản phẩm len lông cừu của Úc hiện có mặt rộng khắp trên thị trường thế giới. Úc hiện đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu len, chiếm trên ¾ lượng len thô xuất khẩu toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu len đóng góp cho kinh tế Úc khoảng 3 tỷ đô la Úc. Úc cũng là nước sản xuất len đứng đầu thế giới, ước tính chiếm khoảng 22% sản lượng len thế giới và cung cấp đến 90% len cho sản xuất hàng may mặc mịn trên toàn cầu, điều đó làm cho nước Úc trở thành nhà sản xuất đứng đầu thế giới về len may mặc mịn.
Ông Bahl cho rằng ngành dệt may của Việt Nam có tiềm năng rất lớn và có nhiều thuận lợi, nhất là trong bối cảnh khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chuẩn bị hoàn tất và Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định Thương mại Tự do với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhận ra tiềm năng này, từ tháng 6/2012, Hiệp hội Len đã triển khai dự án “Out of Viet Nam” nhằm hỗ trợ ngành dệt may Việt Nam thiết lập chuỗi cung ứng sản xuất mới nhằm làm giảm sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, tăng phần trăm xuất xứ trong các sản phẩm dệt may Việt Nam để hưởng ưu đãi khi Hiệp định TPP đi vào thực thi.
Dự án khi mới thành lập có 20 đối tác nay đã có hơn 90 đối tác tham gia gồm các nhà dệt kim len, sản xuất hàng may mặc, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Nghiên cứu Dệt may. Dự án hỗ trợ việc xây dựng nguồn cho giáo dục đào tạo, dịch vụ kiểm định, nghiên cứu và phát triển cũng như hỗ trợ cho ngành dệt may Việt Nam trong dự án kéo sợi len chải kỹ, dệt, nhuộm và hoàn tất sản phẩm.
Đại diện Cục Công nghiệp Địa phương Việt Nam và Hiệp hội Len Úc cũng đã trao đổi về cách thức hoạt động, điều hành của Hiệp hội trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu len của Úc, kinh nghiệm có thể ứng dụng vào tình hình thực tế của Việt Nam cũng như tăng cường hiểu biết đôi bên, tạo thuận lợi cho thúc đẩy hợp tác.
Dự kiến cuộc gặp tiếp theo giữa hai bên sẽ được tiến hành tại Hà Nội trong tháng 10/2015 để trao đổi chi tiết về khả năng hợp tác giữa hai bên.