Việt Nam-Algeria tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng và dầu khí
Tham dự hội thảo về phía Algeria có ông Abderrahmane Hadef, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Médéa, ông Nacer Mohellbi, Vụ trưởng Vụ Xúc tiến đầu tư, Bộ Công nghiệp và Mỏ và khoảng 50 doanh nghiệp Algeria. Về phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận và 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và dầu khí.
Tại Hội thảo, hai bên đã giới thiệu tình hình kinh tế mỗi nước, cùng nhau điểm lại quan hệ kinh tế, thương mại song phương và đề ra một số biện pháp thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Phát biểu nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết Việt Nam và Algeria có mối quan hệ truyền thống lịch sử lâu đời, hai nước vừa mới tổ chức kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mặc dù vậy, quan hệ kinh tế-thương mại vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của hai nước. Năm 2016, trao đổi thương mại Việt Nam-Algeria mới đạt khoảng 275 triệu USD và năm 2017 ước đạt 280 triệu USD. Hiện Algeria là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại Châu Phi. Mục tiêu đạt 1 tỷ USD kim ngạch song phương vào năm 2020 do Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra là một nhiệm vụ khó khăn và Ủy ban Liên chính phủ lần này phải tìm ra những biện pháp để thực hiện mục tiêu đó.
Về hợp tác đầu tư, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhắc lại năm 2003, Tập đoàn PVN củaViệt Nam đã đầu tư vào liên doanh dầu khí với tập đoàn Sonatrach của Algeria để khai thác mỏ dầu Bir Seba. Hiện nay, liên doanh sản xuất được 20.000 thùng dầu mỗi ngày.
Thứ trưởng cũng nêu một số trở ngại quan hệ hợp tác song phương như khoảng cách địa lý xa xôi, thiếu thông tin về thị trường, đối tác, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn quan tâm nhiều hơn đến các thị trường lân cận. Thứ trưởng Lê Quang Hùng kêu gọi phía Algeria tăng cường công tác thông tin, giới thiệu về tiềm năng hợp tác với Algeria tại thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội thảo cũng nêu những khó khăn như Chính phủ Algeria áp dụng giấy phép nhập khẩu đối với vật liệu xây dựng và áp thuế nhập khẩu cao (48-52% đối với sản phẩm của Việt Nam).
Về phần mình, ông Abderrahmane Hadef, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Médéa cho biết trong hai năm qua đã cùng với Đại sứ quán Việt Nam tổ chức 02 Hội thảo doanh nghiệp để tuyên truyền về tiềm năng xuất nhập khẩu và đầu tư giữa hai nước. Ông cũng nhất trí rằng quan hệ kinh tế-thương mại song phương chưa ngang tầm với quan hệ chính trị truyền thống tốt đẹp. Bên cạnh thương mại, hai nước cần thúc đẩy hợp tác về đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, chế biến nông sản và công nghệ thông tin.
Về những lo ngại mà doanh nghiệp Việt Nam nêu ra liên quan đến các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Algeria như giấy phép, thuế nhập khẩu cao…, ông Abderrahmane Hadef giải thích đây là chỉ là biện pháp tình huống tạm thời của Chính phủ nhằm khuyến khích phát triển sản xuất trong nước, nhất là mặt hàng xi măng. Mặt khác, từ năm 2014, dự trữ ngoại hối của Algeria bị sụt giảm nghiêm trọng do giá xuất khẩu dầu khí thế giới giảm trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này (chiếm đến 95% tổng kim ngạch xuất khẩu) nên Algeria phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiềm chế nhập siêu, cân đối ngân sách quốc gia.
Phát biểu nhân dịp này, ông Nacer Mohellbi, Vụ trưởng Vụ Xúc tiến đầu tư Bộ Công nghiệp và Mỏ đã đánh giá cao mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao, đặc biệt là chuyến thăm Algeria của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết năm vào 2010 và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2015.
Ông Nacer Mohellbi nhấn mạnh Algeria luôn mong muốn phát triển và tăng cường hợp tác kinh tế song phương với Việt Nam sao cho tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và tiềm năng kinh tế của mỗi nước, đồng thời chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế.
Sau phần khai mạc Hội thảo, các doanh nghiệp hai bên đã trao đổi trực tiếp về cơ hội hợp tác, đầu tư và một số hợp đồng đã được ký kết trong lĩnh vực cung cấp sứ vệ sinh. Một số doanh nghiệp Việt Nam dự định quay lại Algeria để nghiên cứu, triển khai đầu tư trong lĩnh vực sản xuất ceramics.
Cũng trong thời gian ở Algeria, đoàn doanh nghiệp Việt Nam còn đi thăm Triển lãm quốc tế về các công trình công cộng để tìm hiểu thị trường và gặp gỡ đối tác.