Vải Việt Nam vào thị trường Australia: Cơ hội kèm thách thức
Bà nhận định thế nào về tiềm năng của thị trường Australia với trái vải Việt Nam?
Australia là thị trường lớn với 23 triệu dân nhưng mới chỉ có 11,2% hộ gia đình ăn vải và chủ yếu là dân Á Đông. Do vậy thị trường vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng. Bên cạnh đó, mặc dù Australia là nước trồng vải và đang có kế hoạch xuất khẩu vải đi các nước trên thế giới, tuy nhiên, do mùa vải của Australia trái với mùa vải của Việt Nam (mùa thu hoạch vải của Australia từ giữa tháng 10 đến tháng 3 năm sau) nên vải Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiêu thụ tại thị trường Australia.
Đặc biệt, vải của Australia có chi phí sản xuất cao chủ yếu do chi phí lao động trong ngành trồng trọt thâm canh đã tăng đáng kể trong vòng năm năm qua. Giá tại trang trại hiện tại khoảng 5,5 đô la Australia (AUD) và giá bán tại thị trường khoảng 20 AUD/kg, nhưng giá bán tại cổng trang trại được kỳ vọng sẽ tăng lên 7AUD vào năm 2017 nên vải Việt Nam có cơ hội cạnh tranh về giá.
Việc trái vải được cấp phép nhập khẩu vào Australia sẽ là cơ hội rất lớn cho mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam. Bởi lẽ, Chính phủ Australia chỉ cấp phép cho từng loại quả một và vải là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam. Nếu không “thông” được trái vải thì các loại trái cây khác sẽ bị tắc. Ngược lại, nếu trái vải “dẫn đường” thành công thì các loại trái khác của Việt Nam như thanh long, xoài, nhãn… sẽ có cơ hội rất lớn thâm nhập vào thị trường này. Do vậy, dù không kỳ vọng xuất khẩu nhiều vải sang thị trường Australia ngay lập tức nhưng chúng ta vẫn phải quyết tâm làm để mở cửa dần cho mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam vào thị trường có sức mua vào loại tốt nhất thế giới này.
Cơ hội đã rõ, nhưng Australia cũng được xếp loại khó tính nhất thế giới. Để tận dụng tốt nhất cơ hội này, các DN xuất khẩu phải chú ý những điều gì?
Để xuất khẩu trái vải sang Australia, Việt Nam cần có nguồn cung ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, và sẽ phải vượt qua các quy trình về vệ sinh kiểm dịch khá là ngặt nghèo của Australia.
Cụ thể, về vùng trồng, cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Cơ sở phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất.
Trước mỗi mùa xuất khẩu vải, cơ sở đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá và công nhận đáp ứng điều kiện nhập khẩu của Australia. Bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Australia phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm. Thùng các tông đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý.
Vải xuất khẩu phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận (gồm Công ty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty Cổ phần chiếu xạ An Phú). Lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Australia và có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp ghi rõ: “Lô quả này được sản xuất tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện nhập khẩu vải tươi vào Australia và tuân thủ quy định tại Chương trình xuất khẩu quả vải đã được chiếu xạ từ Việt Nam sang Australia”. Trong mục biện pháp xử lý trên Giấy chứng nhận ghi rõ “Liều chiếu xạ thấp nhất 400 Gy”.
Tuy nhiên, có một khó khăn là hiện nay các cơ sở chiếu xạ và cơ sở đóng gói được cấp mã số đều nằm trong khu vực phía Nam trong khi khu vực trồng vải xuất khẩu nằm ở phía Bắc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu phải vận chuyển xa, tốn thời gian trong khi trái vải là loại trái cây rất nhanh hỏng, hơn nữa giá thành đội lên cao cũng sẽ khó cạnh tranh trên thị trường Úc.
Để trái vải nhanh chóng đi vào thị trường Australia ngay sau khi được cấp phép, đâu là việc cần làm ngay, thưa bà?
Để chuẩn bị cho trái vải tươi của Việt Nam nhanh chóng đi vào thị trường ngay sau khi được cấp phép, cần xây dựng một bộ thông tin chuẩn về trái vải Việt Nam, lựa chọn một số vườn quả đáp ứng được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của Australia để quảng bá. Đồng thời, trên cơ sở bộ thông tin chuẩn nói trên, thiết kế và in ấn tờ rơi phát cho các DN nhập khẩu, phát trực tiếp cho người tiêu dùng tại các chợ Á đông và các siêu thị lớn của Australia tại các thành phố lớn. Việc xây dựng phim ngắn để quảng bá trên một số kênh thông tin, tuyền truyền cũng hết sức cần thiết.
Ngoài ra, ở Australia hiện có hơn 300.000 Việt kiều, chưa kể cán bộ, lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang làm việc và học tập. Trong số các doanh nhân Việt kiều, nhiều người là chủ các nhà hàng, siêu thị và kinh doanh rất thành công trên nước Australia. Do đó, Thương vụ sẽ phối hợp với Hội doanh nhân Việt kiều Australia châu tổ chức hội thảo “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm trước mắt là vận động các DN Việt kiều đưa trái vải Việt Nam tiêu thụ trong cộng đồng người Việt và người Á Đông tại Australia, sau đó mở rộng đến người tiêu dùng Australia nói chung sẽ hỗ trợ cho trái vải của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường Australia.
Xin cảm ơn bà!
Việc đưa trái vải thành công vào thị trường Australia không những giúp đa dạng hóa thị trường cho sản phẩm vải thiều, giúp nông dân tránh tình trạng “được mùa mất giá” mà còn mở ra cơ hội cho một số loại trái cây khác của Việt Nam như thanh long, nhãn, xoài… được nhập khẩu thành công vào thị trường này. |