Tổng quan thị trường Nam Phi
Dưới đây là bản tin chung về thị trường Nam Phi trong các tháng 2 -3 và dự đoán các tháng 5 và 6:
I/ Tình hình thị trường tháng 03/2018:
1) Tổng quan thị trường:
Thị trường Nam Phi trong tháng 03 năm 2018 nổi bật với tiêu thụ hàng công nghiệp và sản xuất hàng công nghiệp tăng. Xuất khẩu và nhập khẩu tăng. Đồng Rand mất giá.
Lạm phát trong tháng 03/2018 là 3,7%.
Đồng Rand giảm nhẹ ở mức 11,67 Rand/01 USD ngày 15/02/2018 xuống 12,39 Rand/01 USD ngày 15/03/2018.
Tháng 03/2018, thị trường tiêu thụ ô tô nội địa tại Nam Phi và kim ngạch xuất khẩu ô tô của Nam Phi tăng 3,7% và giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Tính đến hết tháng 03/2018, xuất khẩu của Nam Phi đạt khoảng 268,8 tỷ Rand (tương đương với 21,5 tỷUSD), tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2017; nhập khẩu của Nam Phi đạt 287,4 tỷ Rand (tương đương với 23 tỷ USD), tăng 9,1%.
2) Chi tiết thị trường:
Tháng 03/2018 so với tháng 02/2018 tiêu thụ hàng công nghiệp tăng 1,3% trong đó: Nhóm hàng thực phẩm và đồ uống tăng 3,5%; Nhóm hàng dệt may giầy dép giảm 1,8%; Nhóm hàng gỗ giấy giảm 2,1%; Nhóm hàng xăng dầu hóa chất cao su nhựa tăng 2%; Nhóm hàng thủy tinh và khoáng sản phi kim loại tăng 0,3%; Nhóm hàng kim loại máy móc giảm 0,2%; Nhóm hàng thiết bị điện giảm 1,1%; Nhóm hàng điện tử giảm 1,5%; Nhóm hàng phương tiện vận tải tăng 2,2%; Nhóm hàng nội thất không có biến động.
Tháng 03/2018 so với tháng 02/2018, sản xuất công nghiệp tăng 1,3%% trong đó: nhóm hàng thực phẩm và đồ uống tăng 1,7%; Nhóm hàng dệt may giầy dép tăng 1,4%; Nhóm hàng gỗ giấy giảm 0,9%; Nhóm hàng xăng dầu hóa chất cao su nhựa tăng 1,7%; Nhóm hàng thủy tinh và khoáng sản phi kim loại giảm 0,9%;Nhóm hàng kim loại máy móc tăng 1,3%; Nhóm hàng thiết bị điện tăng 3,7%; Nhóm hàng điện tử giảm 1,7%;Nhóm hàng phương tiện vận tải tăng 6,2%; Nhóm hàng nội thất giảm 3,9%.
Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chính của Nam Phi trong tháng 03/2018 so với tháng 02/2018: Sản phẩm khoáng sản tăng 12%; Đá quý và kim loại quý tăng 15%; Kim loại thường tăng 19%; Máy móc và thiết bị điện tử tăng 10%: Phương tiện vận tải giảm 9%...
Tình hình nhập khẩu một số mặt hàng chính của Nam Phi trong tháng 03/2018 so với tháng 02/2018: Hàng rau quả giảm 31%; Sản phẩm khoáng sản giảm 14%; Kim loại thường tăng 13%; Máy móc và thiết bị điện tử tăng 6%; Phương tiện vận tải tăng 12%...
Các mặt hàng xuất nhập khẩu Việt Nam - Nam Phi trong T3/2018
STT | Mặt hàng | VNXK (USD) | STT | Mặt hàng | VNNK (USD) |
1 | Hàng tươi sống | 4.015.720 | 1 | Hàng tươi sống | 2.103.372 |
2 | Rau củ quả | 15.912.918 | 2 | Rau củ quả | 10.104.997 |
3 | Dầu ăn | 57.854 | 3 | Dầu ăn |
|
4 | Thực phẩm chế biến | 2.867.603 | 4 | Thực phẩm chế biến | 1.446.729 |
5 | Khoáng sản | 5.906.458 | 5 | Khoáng sản | 3.786.822 |
6 | Hóa chất | 3.283.009 | 6 | Hóa chất | 2.159.313 |
7 | Cao su và sản phẩm nhựa | 3.903.445 | 7 | Cao su và sản phẩm nhựa | 2.652.899 |
8 | Da sống và da thuộc | 1.116.367 | 8 | Da sống và da thuộc | 1.244.292 |
9 | Sản phẩm gỗ | 532.784 | 9 | Sản phẩm gỗ | 810.665 |
10 | Giấy và bột giấy | 279.744 | 10 | Giấy và bột giấy | 6.768 |
11 | Dệt may | 10.370.595 | 11 | Dệt may | 15.383 |
12 | Giầy dép | 35.834.665 | 12 | Giầy dép | 1.150.986 |
13 | Vật liệu xây dựng | 503.947 | 13 | Vật liệu xây dựng |
|
14 | Kim loại quý | 403.417 | 14 | Kim loại quý | 2 |
15 | Sắt thép | 3.209.249 | 15 | Sắt thép | 3.815.152 |
16 | Máy móc thiết bị | 166.130.544 | 16 | Máy móc thiết bị | 671.033 |
17 | Phương tiện vận tải | 234.873 | 17 | Phương tiện vận tải | 25.046 |
18 | Thiết bị ảnh và y tế | 1.357.696 | 18 | Thiết bị ảnh và y tế | 12.263 |
20 | Đồ chơi và dụng cụ thể thao | 5.980.102 | 20 | Đồ chơi và dụng cụ thể thao | 632 |
21 | Hàng thủ công mỹ nghệ | 179 | 21 | Hàng thủ công mỹ nghệ |
|
22 | Hàng hóa khác | 13.476 | 22 | Hàng hóa khác |
|
23 | Thiết bị lẻ | 1.191.346 |
|
|
|
| Tổng cộng: | 263.105.990 |
| Tổng cộng: | 30.006.356 |
Nguồn: Tổng cục Thuế Nam Phi (SARS)
II/ Dự báo tình hình thị trường tháng 06/2018:
Dự báo xuất khẩu và nhập khẩu tăng. Đồng Randgiảm nhẹ
III/ Thông báo:
Tìm đối tác/người bán:
Công ty Nam Phi muốn tìm đối tác sản xuất ốc vít, đinh vít công nghiệp tại Việt Nam
- Tên doanh nghiệp: Upat SA
- Địa chỉ: 302 Souter Street Cnr Maltzan Pretoria West, Nam Phi
- Người liên hệ: ông Richard Kuhlmann – Giám đốc
- Email: [email protected]
- Website: //www.upat.co.za/
3/Sự kiện thương mại trong tháng 06, 07/2018 tại Nam Phi:
STT | Sự kiện | Ngành hàng | Địa điểm tổ chức | Thời gian |
1 | MAKEX | Marketing, quảng bá SP | Trung tâm Hội nghị Sandton, Johannesburg | 06/06 – 07/06/2018 |
2 | FRIGAIR | Điều hòa nhiệt độ, kỹ thuật liên quan | Trung tâm Hội nghị Gallagher, Johannesburg | 06/06 – 08/06/2018 |
3 | AFRICA BIG SEVEN | Thực phẩm | Trung tâm Hội nghị Gallagher, Johannesburg | 24/06 – 26/06/2018 |
4 | SAITEX | Đa ngành hàng | Trung tâm Hội nghị Gallagher, Johannesburg | 24/06 – 26/06/2018 |
5 | THE HOTEL SHOW AFRICA | Nhà hàng, khách sạn | Trung tâm Hội nghị Gallagher, Johannesburg | 24/06 – 26/06/2018 |
6 | FRANCHISE BUSINESS FESTIVAL | Nhượng quyền thương mại | Mall of Africa, Midrand | 29/06 – 01/07/2018 |
7 | EAST COAST HOUSE & GARDEN SHOW | Nội, ngoại thất | Durban ICC Arena, Durban | 17/07 – 19/07/2018 |
8 | POWER-GEN AFRICA | Năng lượng, thiết bị điện | Sandton Convention Center, Johannesburg | 17/07 – 19/07/2018 |
9 | AGRIWORKS POTCHEFSTROOM | Nông nghiệp | The Trim Park, Potchefstroom | 26/07 – 28/07/2018 |
VI/ Thông tin chuyên đề:
Hiệp định thành lập Khu vực Thương mại tự do Châu Phi (CFTA) chính thức được ký kết
Ngày 21/03/2018, tại kỳ họp bất thường lần thứ 10 của Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp Châu Phi (AU) tổ chức tại Kigali, Rwanda, 44 quốc gia Châu Phi đã chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do Châu Phi (CFTA). Hiệp định CFTA sẽ chính thức có hiệu lực trong vòng 180 ngày, sau khi có ít nhất 22 quốc gia ký kết phê chuẩn.
Với thỏa thuận trên, châu Phi trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khối AfCFTA có thể tạo ra một thị trường chung châu Phi với dân số 1,2 tỷ người và GDP 2.500 tỷ USD.
Đại hội đồng liên minh Châu Phi ước tính trao đổi thương mại trong khối sẽ tăng gần 60% từ nay đến năm 2022. Theo các lãnh đạo AU, AfCFTA được xây dựng nhằm tạo ra một thị trường duy nhất tại châu Phi cho hàng hóa và dịch vụ với sự tự do lưu chuyển của dòng vốn đầu tư và kinh doanh. Theo AU, việc này sẽ mở đường thúc đẩy cho việc thành lập Liên minh hải quan vào năm 2022 và Cộng đồng kinh tế châu Phi vào năm 2028.
Việc xây dựng Khu vực mậu dịch tự do là một trong những dự án trọng điểm của Lịch trình 2063 của Liên minh châu Phi trong đó vạch ra tầm nhìn mới về phát triển lục địa cho 5 thập kỉ tiếp theo dựa trên sự tăng trưởng cho mọi người và sự phát triển bền vững. Khu vực tự do mậu dịch này thống nhất các FTA khu vực khác của châu Phi bao gồm thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (CAE), Cộng đồng phát triển miền Nam Châu Phi (SADC), Cộng đồng kinh tế các quốc gia Trung Phi (CEEAC), Cộng đồng kinh té các quốc gia Tây Phi (CEDEAO), Liên minh Maghreb Ả rập và Cộng đồng các quốc gia nằm trên bờ và trong sa mạc Sahara.
Tác động của CFTA đến kinh tế các nước Châu Phi
CFTA bắt nguồn từ bối cảnh việc hội nhập giữa các nước Châu Phi còn dè dặt và thương mại nội khối giữa các nước Châu Phi đang ở mức thấp so với thương mại của Châu Phi với các đối tác bên ngoài. Thống kê cho thấy việc tăng cường thương mại nội khối Châu Phi sẽ giúp các nước Châu Phi có thị trường lớn hơn, đặc biệt là với hàng hóa chế tạo của các nước này. Các chuyên gia cũng nhận định rằng CFTA có tiềm năng tăng thương mại nội khối Châu Phi lên 52% vào năm 2022 so với năm 2010, trong đó, trao đổi hàng hóa công nghiệp ước tăng 53%.
Cùng với CFTA, các nước thành viên AfCFTA cam kết sẽ bãi bỏ thuế đối với hơn 90% các mặt hàng trong tương lai. CFTA đề cập đến 07 lĩnh vực ưu tiên liên quan đến thương mại như: các chính sách thương mại, cơ sở hạ tầng, tài chính, thông tin, hội nhập thị trường, tăng năng suất và thuận lợi trong thương mại.
Như vậy, vai trò của CFTA trong việc cải thiện mức độ thương mại nội khối Châu Phi là rất quan trọng, đặc biệt trong việc tạo thuận lợi cho thị trường các nước COMESA, SADC và EAC tiếp cận với các quốc gia Trung và Tây Phi.
Nằm trong CFTA là một Kế hoạch hành động thúc đẩy thương mại nội khối Châu Phi (BIAT), tập trung vào phát triển thương mại nội khối Châu Phi với mục tiêu đặc biệt là tăng gấp đôi lưu lượng thương mại giữa các nước Châu Phi trong giai đoạn từ 2012 đến 2022. Kế hoạch hành động này cùng với các hoạt động khác sẽ giúp giải quyết những khó khăn chính cản trở thương mại trong khu vực Châu Phi như đa dạng hóa cơ sở xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa thô và tăng cường hội nhập khu vực… và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, không phải các quốc gia Châu Phi sẽ được hưởng lợi đồng đều từ CFTA. Các quốc gia có năng lực sản xuất lớn có thể đạt được tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận đáng kể trong khi các nền kinh tế nhỏ và các nước kém phát triển có thể phải đối mặt với những tổn thất về thu nhập tài chính và đe dọa đến các ngành công nghiệp địa phương. Những quốc gia có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, tình trạng tham nhũng cố hữu và quy trình hải quan thiếu hiệu quả sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc thực hiện CFTA.
Nam Phi chưa tham gia vào CFTA
Ngày 21/03/2018, tại thành phố Kigali, thủ đô nước Rwanda, 44 quốc gia Châu Phi đã chính thức ký Hiệp định thành lập khu vực Thương mại tự do Châu Phi (CFTA) với 43 quốc gia đã ký Tuyên bố Kigali, thúc đẩy việc thành lập khu vực tự do mậu dịch này, trong đó 27 quốc gia đã ký Nghị định thư về di chuyển người dân tự do ở Châu Phi. Tuy nhiên, Nam Phi là một trong số các quốc gia chưa ký CFTA.
Phát biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Nam Phi, ông Rob Davies, cho biết: “Nam Phi muốn ký và sẽ chính thức ký khi các nội dung chi tiết của Hiệp định này phù hợp với Nam Phi.” Theo ông Davies, một số vấn đề nổi bật liên quan đến lịch trình thuế quan nằm trong CFTA còn chưa thống nhất, điều này chưa đảm bảo về quy trình ký kết thỏa thuận quốc tế của Nam Phi. Nam Phi muốn tiếp tục tham gia vào các quy trình tiếp theo, bao gồm nội dung liên quan đến cơ cấu, thể chế để thúc đẩy CFTA, các phương án thực hiện các nội dung về thuế quan.
Ông Davies cũng cho biết, phía Nam Phi nhất trí với nội dung tổng thể của CFTA, công nhận những cơ hội mà CFTA mang lại cho Châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng, thúc đẩy thương mại nội khối Châu Phi và tạo ra thị trường lớn hơn 1,07 tỷ người với Tổng GDP đạt hơn 3,3 nghìn tỷ USD. Minh chứng cho điều này, tổng thống Nam Phi, ông Cyril Ramaphosa đã ký Tuyên bố Kigali. Ông Ramaphosa cũng cho biết CFTA sẽ được ký khi được phê chuẩn bởi các bên liên quan và Quốc hội Nam Phi.
Một số chuyên gia nhận định rằng Nam Phi đang lo ngại về các điều khoản trong CFTA sẽ tạo điều kiện cho việc giao dịch các sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài khu vực Châu Phi với mức giá trị gia tăng thấp. Thay vào đó, Nam Phi muốn đảm bảo rằng CFTA sẽ thúc đẩy thương mại nội khối thông qua việc trao đổi các hàng hóa có khả năng đa dạng hóa và công nghiệp hóa Châu Phi.
Theo một báo cáo của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, Nam Phi là một trong những quốc gia được hưởng lợi lớn nhất từ CFTA nhờ cơ sở sản xuất lớn và hạ tầng phát triển với mạng lưới điện đảm bảo so với các quốc gia Châu Phi khác.
Các chính sách sẽ tiếp tục được xem xét và cập nhật dự kiến trong tháng 4 này, khi đó Bộ Ngoại giao Nam Phi sẽ tiếp tục cân nhắc việc ký kết CFTA. Tổng thống Rwanda hy vọng các nước chưa ký kết CFTA sẽ tham gia ký tại phiên họp tiếp theo.
Tác động của CFTA đến thương mại Việt Nam – Châu Phi
Tự do hóa thương mại trong CFTA làm giảm chi phí thương mại và cho phép người tiêu dùng Châu Phi tiếp cận nhiều loại sản phẩm đa dạng hơn với giá thành thấp hơn. Chi phí thấp hơn cho nguyên liệu nhập khẩu giữa các quốc gia trong CFTA làm tăng tính cạnh tranh của các nhà sản xuất địa phương và thúc đẩy việc tạo ra các chuỗi giá trị trong khu vực. Điều này tạo nên thách thức về giá đối với hàng hóa Việt Nam vào Châu Phi, khi phải cạnh tranh về thuế nhập khẩu so với các quốc gia châu Phi khác, trong khi Việt Nam chưa có bất kỳ một FTA/PTA nào với các quốc gia trong khu vực Châu Phi.
Về lâu về dài, cùng với những lợi ích mà CFTA đem lại, tỷ lệ thất nghiệp tại Châu Phi sẽ giảm, thương mại nội khối tăng trưởng tốt, các nước Châu Phi có thể có lợi từ việc mở rộng thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của mình, tự do di chuyển các yếu tố sản xuất và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn sẽ giúp thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, tiến bộ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Như vậy, CFTA dự báo sẽ góp phần cải thiện tình trạng kinh tế, xã hội tại Châu Phi, biến châu lục này trở thành khu vực sôi động hơn, tiềm năng hơn về trao đổi thương mại. Tận dụng tốt những lợi ích mà CFTA mang lại cũng là cơ hội để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới này.