Tình hình kinh tế, ngoại thương Bra-xin và trao đổi thương mại Việt Nam – Bra-xin trong 6 tháng đầu năm 2016
Tình hình kinh tế Bra-xin 6 tháng đầu năm 2016
Ngoài ra, các vấn đề mang tính chiến lược dài hạn như: giảm đầu tư công, giảm đầu tư hạ tầng đã làm suy giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Hiện tại, Bra-xin đang bị đánh giá hết sức yếu kém trong quản trị và hoạch định chính sách phát triển kinh tế, phát triển các ngành trọng điểm.
Các vấn đề nói trên đã làm suy yếu trầm trọng nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, biểu hiện rõ nhất đó là việc đồng nội tệ của Bra-xin mất giá rất lớn (trên 30%) gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, nhiều hợp đồng kinh tế, nhiều đơn hàng nhập khẩu bị hủy hoặc hoãn giao hàng, gây ra đổ vỡ dây chuyền cho rất nhiều doanh nghiệp, tín dụng bị thu hẹp và thắt chặt, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.
Khủng hoảng kinh tế Bra-xin còn được làm trầm trọng hơn bởi khủng hoảng niềm tin, khi Chính phủ quá bận rộn với các vấn đề chính trị mà không dành nhiều ưu tiên cho các định hướng, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước.
Trong Quý 1, với nỗ lực lấy lại niềm tin của người dân, Chính phủ của Tổng thống Dilma càng tăng cường chi tiêu công, tăng chi cho các chính sách xã hội chỉ phần nào giảm bớt sự suy thoái ở phương diện bề nổi nhưng nội tại nền kinh tế vẫn suy thoái nghiêm trọng. Hiện tại, Tổng thống Dilma đã bị truất quyền để điều tra, Tổng thống lâm thời Terme lên nắm quyền đã bổ nhiệm nhiều nhà kinh tế lão luyện cho bộ máy mới, nhưng tình hình chưa thể cải thiện trong một vài tháng. Ngoài ra, Chính phủ mới tăng cường truy thu các khoản thuế, phí làm cho các doanh nghiệp ngày càng phải chi phí nặng nề hơn. Theo một tính toán của các chuyên gia, hiện tại người dân Bra-xin phải làm việc trên 150 ngày để đóng thuế cho Chính phủ, tức là gần 1 nửa thu nhập của người dân là chỉ dành cho đóng thuế và các loại phí.
Các số liệu chính thức cho thấy, Quý 1 năm 2016, kinh tế Bra-xin tiếp tục suy thoái 0,3% so với Quý trước (Quý 4 năm 2015), như vậy nền kinh tế Bra-xin đã suy thoái 5 quý liên tiếp, tính tổng số, kinh tế Bra-xin đã suy thoái tới 5,4% so với quý 1 năm 2015. Mặc dù, mức độ suy thoái ít hơn so với dự đoán là 0,8%, nhưng không chắc chắn rằng nền kinh tế Bra-xin liệu đã chặn được đà suy thoái hay chưa, suy thoái đã chạm đáy hay chưa, hay đây mới chỉ là biểu hiện nhất thời do tác động của việc tăng chi tiêu của Tổng thống Dilma thời điểm trước khi bị truất quyền.
Kinh tế Bra-xin Quý 2 năm 2016 có thể tiếp tục suy giảm ở mức thấp hơn trong khi tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng hiện đạt khoảng 11 triệu người.
Ngoại thương Bra-xin 6 tháng đầu năm
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bra-xin trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 156,9 tỉ USD, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu đạt 90,3 tỉ USD, giảm 4,3%, nhập khẩu đạt 60,6 tỉ USD, giảm tới 27,8% so với cùng kỳ.
Theo nhiều thông tin, năm nay vụ mùa của các mặt hàng nông sản chính như ngô, đậu tương... của Bra-xin gặp nhiều khó khăn giá xuất khẩu cũng như giá nội địa của các mặt hàng này sẽ tăng kéo theo chi phí thức ăn chăn nuôi tăng làm giảm khả năng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Bra-xin. Do đó, dự báo xuất khẩu của Bra-xin tiếp tục suy giảm mạnh hơn vào 6 tháng cuối năm. Ngược lại, nhập khẩu của Bra-xin sẽ có dấu hiệu phục hồi nhờ đồng USD giảm giá so với đồng bản tệ cũng như nhu cầu sản xuất, tiêu dùng thường tăng lên vào cuối năm.
Trao đổi thương mại Bra-xin – Việt Nam 6 tháng đầu năm
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Bra-xin đạt 1.567,0 triệu USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Bra-xin giảm mạnh, chỉ đạt 591,3 triệu USD, giảm 23,9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu từ Bra-xin đạt 975,7 triệu USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo các số liệu của Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Bra-xin công bố, thì kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Việt Nam chỉ khoảng trên 700 triệu USD, và nhập khẩu cũng khoảng trên 700 triệu USD. Chênh lệch so với số công bố của Việt Nam là do phía Bra-xin thống kê xuất khẩu theo giá FOB và nhập khẩu theo giá CIF. Cụ thể tổng kim ngạch và 10 mặt hàng có kim ngạch trao đổi hai chiều lớn nhất như sau:
Bảng 1: Nhập khẩu từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016
(Đơn vị tính: USD, %)
STT | Mặt hàng | Kim ngạch | Tỉ trọng | Tăng trưởng |
1 | Điện thoại di động và linh kiện | 256.169.173 | 35,24 | -20,51 |
2 | Bo mạch điện tử | 48.692.805 | 6,70 | 304,89 |
3 | Giầy dép các loại | 36.273.258 | 4,99 | -51,31 |
4 | Thủy sản | 33.238.558 | 4,57 | 100,55 |
5 | Nguyên phụ liệu dệt may, giầy da | 29.097.118 | 4,00 | -12,50 |
6 | Thiết bị vi xử lý, bán dẫn | 26.132.950 | 3,60 | 22,66 |
7 | Bảng mạch, thiết bị truyền tải | 13.840.877 | 1,90 | -81,58 |
8 | Phụ liệu bằng nhựa cho ngành giầy dép | 13.646.261 | 1,88 | -33,42 |
9 | Đồ điện và thiết bị điện tử | 13.515.633 | 1,86 | -27,01 |
10 | Phile cá đông lạnh khác | 11.374.037 | 1,56 | 75,98 |
Hàng hóa khác | 244.916.292 | 33,69 |
| |
Tổng cộng | 726.896.962 | 100,00 | -22,47 |
Nguồn: Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Bra-xin
Bảng 2: Xuất khẩu sang Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016
(Đơn vị tính: USD, %)
STT | Mặt hàng | Kim ngạch | Tỉ trọng | Tăng trưởng |
1 | Ngô | 261.915.006 | 34,09 | 3,23 |
2 | Đậu tương | 108.293.286 | 14,09 | -1,77 |
3 | Xơ, sợi thô nguyên liệu ngành dệt | 52.553.943 | 6,84 | 28,99 |
4 | Lúa mỳ | 35.120.778 | 4,57 | -26,97 |
5 | Da các loại | 28.208.117 | 3,67 | 50,44 |
6 | Nguyên liệu thuốc lá | 25.956.111 | 3,38 | 38,45 |
7 | Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi | 24.455.982 | 3,18 | -73,22 |
8 | Bột viên đậu nành | 20.233.845 | 2,63 | -40,20 |
9 | Nguyên phụ liệu giầy da | 16.636.320 | 2,17 | -57,24 |
10 | Bộ viên từ hạt lạc | 15.113.746 | 1,97 |
|
Hàng hóa khác | 179.922.051 | 23,41 |
| |
Tổng cộng | 768.409.185 | 100,00 | -4,64 |
Nguồn: Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Bra-xin
Số liệu của cả hai bên cho thấy, trao đổi thương mại hai chiều bị ảnh hưởng lớn từ suy thoái kinh tế của Bra-xin, đặc biệt là ảnh hướng lớn đến khả năng xuất khẩu của Việt Nam vào Bra-xin.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Bra-xin giảm có nguyên nhân là do Bra-xin đang chịu suy thoái kinh tế nghiêm trọng, giảm nhu cầu nhập khẩu, đồng nội tệ tăng giá tác động mạnh tới giá cả nhập khẩu. Dự báo, trong những tháng cuối năm, cùng với đà suy thoái kinh tế tại Bra-xin có dấu hiệu chững lại, đồng bản tệ tăng giá so với đồng USD, xuất khẩu của Việt Nam có khả năng tăng trở lại. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Bra-xin có thể bị ảnh hưởng do giá cả các loại nông sản tăng, vụ mùa gặp khó khăn như đã nói ở trên. Thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Bra-xin có thể được kéo xuống.
Như phân tích ở trên, suy thoái kinh tế của Bra-xin, đặc biệt là các khó khăn của các doanh nghiệp nhập khẩu đã làm ảnh hưởng rất lớn trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – Bra-xin trong 6 tháng đầu năm 2016.
Theo số liệu của phía Bra-xin thì cán cân thương mại giữa hai nước là tương đối cân bằng, tuy nhiên, gần đây xu hướng Việt Nam tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu nông sản từ Bra-xin với giá trị kim ngạch ngày càng lớn. Trong khi đó, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng hóa chế biến, hàng điện tử gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu làm cho cán cân thương mại ngày càng nghiêng về phía Bra-xin.
Một số vấn đề đặt ra
Về cơ cấu các mặt hàng trao đổi song phương, về tổng lượng cho thấy sự tương đối cân bằng giữa sản phẩm cơ bản (nông sản) và sản phẩm chế biến, chế tạo.
Cơ cấu hàng hóa cũng cho thấy tính bổ sung cao của hai nền kinh tế, Bra-xin chủ yếu xuất khẩu các loại hàng hóa cơ bản (tỉ trọng chiếm 84% xuất khẩu của Bra-xin sang Việt Nam). Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng hóa chế biến, chế tạo (chiếm 92% nhập khẩu của Bra-xin từ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016). Điều này cho thấy tiềm năng trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất lớn vì mỗi nước đều có thế tận dụng tốt năng lực cạnh tranh trong các lĩnh vực có thế mạnh.
Tuy nhiên:
Tỉ trọng hàng sơ chế trong trao đổi thương mại song phương vẫn còn ở mức rất thấp, chỉ chiếm gần 6% tổng kim ngạch cho thấy tình hình đầu tư, hợp tác sản xuất công nghiệp giữa hai nước còn ở mức rất hạn chế.
Suy thoái kinh tế tại Bra-xin vẫn diễn ra rất nghiêm trọng, đồng nội tệ chưa co dấu hiệu phục hồi rõ nét, Chính phủ Bra-xin tăng cường các biện pháp thu thuế và phí đặc biệt là nhằm vào các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa làm cho tính cạnh tranh cua các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam ngày càng giảm. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Bra-xin có thể ngày càng lớn hơn.
Bra-xin hiện cũng đang tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại đặc biệt là các biện pháp chống bán phá giá, thuế tự vệ nên có nhiều biện pháp khắt khe hơn trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa cũng như các biện pháp kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn.