Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Chính sách thu hút nguồn nhân lực giai đoạn đến năm 2020 mà tỉnh ban hành đã từng bước hình thành nguồn nhân lực có chất lượng cao, thu hút các chuyên gia giỏi về phục vụ. Giai đoạn 2016-2019, Kiên Giang đã xét tuyển được 4 trường hợp đặc cách đối với người tốt nghiệp sau đại học ở nước ngoài về tỉnh làm việc tại các cơ quan nhà nước. Thu hút 35 bác sĩ chính quy, đến năm 2020 dự kiến thu hút 40 bác sĩ chính quy, đạt 75% so với Đề án. Tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ 18 bác sĩ hai năm cuối đạt kết quả học tập khá trở lên mỗi năm 20 triệu đồng.
Tỉnh tăng cường đào tạo nguồn nhân lực có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đào tạo ngành nghề mũi nhọn và ngành nghề tiềm năng phát triển. Phấn đấu đến năm 2020, đào tạo 37 tiến sĩ, đạt 123,33% và 675 thạc sĩ, đạt 135% so với Đề án. Trong đó, đào tạo sau đại học ở nước ngoài 6 tiến sĩ và 14 thạc sĩ, tập trung vào các ngành như: du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản, chính sách công, quản lý kinh tế, giáo dục, y tế. Nguồn nhân lực khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh có 1.200 người, chiếm 6,9 người/vạn dân.
Tỉnh đã đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, phong cách làm việc hiện đại, cán bộ kỹ thuật giỏi, chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có khả năng hội nhập quốc tế để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Hiện tỉnh có 30.798 người có trình độ có trình độ từ đại học trở lên, chiếm 1,78% so với dân số. Công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên 1.697 đạt 100%; trong đó, sử dụng tin học để phục vụ nhiệm vụ chiếm 88,09%.
Công tác đào tạo và quản lý giáo dục nghề nghiệp từng bước ổn định, đi vào chiều sâu. Toàn tỉnh hiện có 27 cơ sở, đến năm 2020 có 30 cơ sở, tổ chức giáo dục nghề nghiệp cho 127.361 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%; trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 50%. Đảm bảo trên 80% lao động tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng với ngành nghề. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm phối hợp với cơ sở đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI đã từng bước tin tưởng và đặt hàng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung phát triển nguồn nhân lực quản lý doanh nghiệp thích nghi với tiến trình hội nhập quốc tế, vận dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức được 19 lớp tập huấn với tổng số 1.160 người đến từ 590 doanh nghiệp trên các địa bàn: Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Hải. Toàn tỉnh có 415 hợp tác xã đang hoạt động với 2.075 người chủ chốt, có khoảng 1.000 người được tập huấn, bồi dưỡng.
Tỉnh tập trung đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao, ưu tiên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến và cán bộ khoa học phục vụ chương trình nông nghiệp công nghệ cao, các chương trình trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của địa phương...
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thuộc 4 huyện: Giang Thành, U Minh Thượng, An Minh, An Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020 tối đa 05 triệu đồng/lao động/khóa học cho người lao động để học các ngành nghề về nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch, cơ khí, các ngành công nghiệp để phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mỗi lao động chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần theo chính sách này.