Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Maroc
Hàng hóa Việt Nam nói chung có chất lượng và giá thành đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khắt khe nhất như EU hay Hoa Kỳ, nên hoàn toàn có thể thâm nhập và cạnh tranh với hàng hóa của các nước tại thị trường Maroc.
Do cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của hai nước về cơ bản mang tính bổ sung nên hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận tới tất cả các phân khúc thị trường Maroc, từ bình dân đến trung, cao cấp.
Không chỉ xuất khẩu hàng hóa đơn thuần, một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác tại Maroc nhờ vào thế mạnh sẵn có và phù hợp với chính sách thu hút của phía bạn như: hợp tác trong lĩnh vực nông thủy sản, dịch vụ du lịch và lữ hành, đầu tư sản xuất hàng tiêu dùng, hợp tác trong lĩnh vực xây dựng, hợp tác sản xuất phân bón các loại, trao đổi thương mại các sản phẩm thực phẩm chế biến, tham gia kinh doanh hoặc cung ứng các dịch vụ logistic tại các khu ngoại quan, khu công nghiệp mà Chính phủ Maroc thu hút đầu tư, hợp tác kinh doanh khách sạn phục vụ nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao tại Maroc…
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Maroc duy trì ổn định. Về cơ bản, trao đổi thương mại hai chiều có tăng trưởng mặc dù chưa cao và chưa đáp ứng được mong muốn của cả hai phía.
Tiềm năng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Maroc là rất lớn. Năm 2013, kim ngạch hai chiều Việt Nam - Maroc chỉ đạt 108,6 triệu USD, thì năm 2017 con số này là 169,2 triệu, tăng xấp xỉ 55,8% sau 5 năm. Mặc dù, không tăng cao về giá trị tuyệt đối, nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng nhanh về tỷ lệ.
Tuy nhiên, xét về tương quan năm sau so với năm trước, quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn chưa thực sự bền vững. Sau thời kỳ tăng trưởng liên tiếp 3 năm, năm 2017, xuất khẩu Việt Nam sang Maroc chỉ đạt 155,6 triệu USD, giảm 11,55% so với cùng kỳ năm 2016. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch hai chiều tiếp tục giảm xấp xỉ 3%. Nguyên nhân giảm là do chính sách quản lý nhập khẩu của Maroc, cũng như chính sách vệ sinh kiểm dịch đối với hàng hóa vào Maroc được thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, giá cả một số mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh có xu hướng giảm, cạnh tranh về giá từ một số nước xuất khẩu cùng mặt hàng đã tác động đến khả năng ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, những biến động của thị trường EU, cũng như thị trường chứng khoán toàn cầu ít nhiều đã ảnh hưởng đến tình trạng tài chính và khả năng thanh khoản của doanh nghiệp hai Bên.
Để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Maroc, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số nội dung sau:
Cần tìm hiểu kỹ đối tác Maroc trước khi ký kết hợp đồng kinh doanh. Qua thực tế, việc tìm hiểu kỹ đối tác giúp doanh nghiệp tránh được nhiều rủi ro, hạn chế phần nào việc khách bỏ hàng khi thị trường xuống giá. Đàm phán các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, sử dụng phương thức thanh toán phù hợp để ràng buộc đối tác tuân thủ cam kết trong mọi trường hợp.
Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam và Maroc đã có sự gắn bó và hai nước chia sẻ nhiều nét tương đồng. Trong hiện tại, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo các cấp hai Bên, tạo cơ sở vững chắc để hai phía tiếp tục khai thác những tiềm năng nhằm thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại và xa hơn là đầu tư vì lợi ích thiết thực của cả hai quốc gia.