Lào họp về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia lần thứ 7
Tham dự có đại diện ADB, WB, UN, Nhật, và một số Đại sứ quán các nước. Tại Cuộc họp này theo báo cáo của Bộ KH&ĐT tình hình thực hiện NSEDP 7 nhìn chung đang đạt được các mục tiêu đề ra như:
Kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững đạt trên 8%/năm, trong đó mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2011-2015 là trên 8%/năm, năm 2011 đạt 8,1%, 2012 đạt 8,3%, 2013 dự kiến 8,3% trung bình 3 năm đạt 8,2% ; Thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm, năm 2011 đạt 1.155 USD/ người, năm 2012 đạt 1.332 USD/người, năm 2013 dự kiến đạt 1.494 USD/người.
Tỷ lệ giảm nghèo tiếp tục đạt được những thành tựu khả quan, năm 2011 tỷ lệ nghèo là 23,8%, năm 2012 là 22,9% năm 2013 dự kiến là 22%, mục tiêu của NSEDP 7 là đến năm 2015 tỷ lệ nghèo dưới 19%. Lào tiếp tục chuyển đổi nền kinh tế với việc mở cửa nhiều hơn, và khu vực tư nhân là động lực phát triển nền kinh tế.
Giá trị xuất khẩu đạt 76% so với mục tiêu NSEDP7, tăng trưởng xuất khẩu hàng năm đạt 19,9 % (mục tiêu là 19%/năm). Trong đó, 58% giá trị xuất khẩu đến từ các sản phẩm của khai khoáng và mỏ, 13% từ thủy điện. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là ASEAN và khu vực Thái Bình Dương. Nhập khẩu vượt mục tiêu của NSEDP 7 là 28%, tăng trưởng nhập khẩu hàng năm đạt 42% (mục tiêu là 12%), nhập khẩu chủ yếu là phương tiện chiếm 23%, xăng dầu chiếm 18%, vật liệu xây dựng chiếm 16%.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn dựa phần lớn vào tài nguyên thiên nhiên, và đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ giảm nghèo còn chậm, chênh lệch phát triển và thu nhập giữa các vùng còn lớn. Lạm phát trong những năm qua có xu hướng tăng cao hơn so với giai đoạn trước kéo theo giá cả hàng hóa tiêu dùng nội địa tăng. Kế hoạch rà phá bom mìn vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra và triển khai chậm. Nông nghiệp phát triển yếu, đặc biệt việc chuyển đổi sang nông nghiệp thương mại diễn ra chậm, sản xuất gạo chỉ đạt 49% so với mục tiêu của NSEDP 7 vào năm 2015.
Phát biểu tại Cuộc họp các nhà tài trợ kiến nghị Chính phủ phải có các chính sách về đào tạo lực lượng lao động, cũng như chiến lược phát triển nguồn nhân lực hợp lý; Chuyển đổi mô hình kinh tế giảm tỷ trọng các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài nguyên một cách bền vững. Các chuyên gia cũng đề cập đến nguy cơ về “Căn bệnh Hà Lan” đó là sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến những ưu tiên về đầu tư và ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục; Có chính sách nâng cao năng suất trong sản xuất đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, năng suất của Lào hiện nay thuộc loại thấp nhất trong các nước ASEAN; Công tác giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ gắn liền với an ninh lương thực, dinh dưỡng.
Theo đánh giá của đại diện Liên hiệp quốc tại Lào, mặc dù bức tranh đã sáng hơn nhưng tiến bộ không nhiều so với Hội nghị bàn tròn tháng 11/2012. Dữ liệu khảo sát về tình hình lực lượng lao động Lào do Chính phủ đưa ra khác với dữ liệu khảo sát của các nguồn khác. Ví dụ: Số liệu về giáo dục do Chính phủ đưa ra cho thấy có sự tiến bộ trong giáo dục nhưng các nguồn khác cho thấy không có tiến bộ nhiều trong giáo dục, sự bất bình đẳng giữa các nhóm kinh tế xã hội.