Chính sách phát triển điện mặt trời tại một số quốc gia
Chậm phát triển vì chính sách quốc gia
Theo Imke Lubbeke, một quan chức của Văn phòng Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại châu Âu, việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung và điện mặt trời nói riêng ở châu Âu hiện chưa đạt kết quả như mong muốn. Kết quả phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) còn cho thấy, đến năm 2021, tốc độ sử dụng điện mặt trời tại EU sẽ chỉ tăng 23%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 62% trong 6 năm qua.
CHLB Đức vẫn là quốc gia đứng đầu châu Âu về sản xuất và sử dụng điện mặt trời, nhờ sự ủng hộ lâu dài của Chính phủ. Trong khi đó, một số nước khác ở châu Âu đã bị IEA chỉ trích là thiếu chính sách nhất quán tầm quốc gia về phát triển và sử dụng năng lượng bền vững.
Australia cũng là đất nước có ánh nắng mặt trời hầu như quanh năm, nhưng điện mặt trời vẫn chưa phát triển. Kể từ năm 2013, khi Tony Abbott được bầu làm Thủ tướng, ông đã tiến hành giảm bớt các mục tiêu phát triển năng lượng mặt trời, cấm tài trợ cho năng lượng xanh, giải tán Uỷ ban Khí hậu và làm chậm tốc độ phát triển KHCN điện mặt trời. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo ở quốc gia này chỉ đạt 1,1%.
Còn ở Tây Ban Nha, chính phủ nước này đã thông qua đạo luật liên bang, đánh thuế sử dụng pin mặt trời. Theo Chính phủ nước này, họ đang tạo ra quá nhiều điện mặt trời, vượt hơn 60% so với nhu cầu. Sự mất cân đối ấy đã làm cho Chính phủ trở thành “con nợ” lớn của các nhà sản xuất điện. Để giải quyết, Tây Ban Nha cố gắng thu hẹp quy mô sử dụng pin mặt trời – điều mà Chính phủ từng khuyến khích và hỗ trợ suốt 10 năm qua. Nhưng biện pháp đánh thuế không nhận được ủng hộ của người dân, thậm chí, Teresa Ribera, cố vấn cấp cao của Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDDRI) còn tỏ ra lo ngại, luật “thiếu logic” này có thể “nghiêm túc kêu gọi người dân chống lại Chính phủ”.
Rõ ràng, Lãnh đạo các nước cần xây dựng chính sách hợp lý về phát triển và sử dụng NLTT, trong đó có điện mặt trời: Riêng các quốc gia châu Âu cần một thị trường năng lượng năng động, cạnh tranh, dễ kết nối hơn và phù hợp với công nghệ NLTT, nếu không, nguy cơ sẽ bị tụt hậu trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước đầu tiên trên thế giới tại tỉnh Hyogo, Nhật Bản
“Cất cánh” nhờ hỗ trợ mạnh mẽ
Theo Cục Quản lý Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), năm 2016, nguồn điện mặt trời của nước này đã đạt 77,42 GW, tăng gần gấp đôi năm 2015, đưa Trung Quốc trở thành nước đứng đầu thế giới về nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, điện mặt trời chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn 1% trong tổng công suất điện năng của Trung Quốc. NEA dự định tăng thêm khoảng 110 GW trước năm 2020. Trong đó, vai trò của khoa học - công nghệ mang tính quyết định. Đây là kết quả của sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ khi cung cấp những khoản vay giá rẻ cho các công ty lớn sản xuất điện mặt trời, đồng thời là giải pháp để Trung Quốc giải quyết vấn đề chất lượng không khí.
Cùng với Trung Quốc, Nhật Bản đang nâng cao năng lực phát triển ngành công nghiệp điện mặt trời một cách sáng tạo. Năm 2013, Nhật Bản bắt đầu khai thác nguồn năng lượng này với nhà máy điện mặt trời khổng lồ được xây dựng trên biển, sản xuất đủ điện cho khoảng 22.000 hộ gia đình. Tới nay, Nhật Bản đã xây dựng thêm hai nhà máy điện mặt trời nổi và có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy nữa. Chính phủ Nhật Bản đã ủng hộ các nghiên cứu khoa học mới trong lĩnh vực điện mặt trời, hỗ trợ tích cực cho ngành năng lượng này phát triển.
Hàn Quốc cũng có chế độ ưu đãi mới cho các nhà sản xuất và tiêu dùng năng lượng tái tạo. Bộ trưởng Năng lượng nước này cho biết, Seoul sẽ thực hiện một hệ thống đấu giá thị trường cạnh tranh đối với các nhà sản xuất điện mặt trời vào năm 2017. Nhà phân phối có thể mua điện từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo thông qua đấu thầu và thỏa thuận giá cố định kéo dài 20 năm, giúp các nhà sản xuất năng lượng xanh có lợi nhuận ổn định. Ngoài hệ thống đấu thầu cạnh tranh, Hàn Quốc sẽ mở rộng trợ cấp để hỗ trợ tới 50% chi phí lắp đặt các hệ thống pin năng lượng mặt trời tại các hộ gia đình và trường học.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ với những chính sách đồng bộ đã tạo điều kiện cho các nước này phát triển điện mặt trời, giúp cân bằng nguồn năng lượng quốc gia và đảm bảo môi trường sống của người dân.