Bản tin thị trường Thái Lan
1. Thái Lan đưa ra các biện pháp nhằm tăng tính cạnh tranh của nông sản
Bộ Nông nghiệp và HTX Thái Lan vừa đưa ra các biện pháp để thúc đẩy sức cạnh tranh của nông sản và thực phẩm nước này nhằm đương đầu với việc đồng baht tăng giá. 5 biện pháp bao gồm: (i) Phát triển logistics trong lĩnh vực nông nghiệp; (ii) tăng giá trị sản phẩm; (iii) xúc tiến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nông nghiệp thông minh); (iv) phát triển máy móc nông nghiệp; và (v) quản lý giao dịch trực tuyến để mở rộng các kênh phân phối. Mục đích của các biện pháp này là nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất bằng cách áp dụng công nghệ để tăng giá trị sản phẩm và mở rộng kênh phân phối.
Chủ trì thực hiện các biện pháp trên là các ủy ban phát triển logistics và xúc tiến công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; phối hợp là các cơ quan ban ngành của chính phủ có liên quan, khối tư nhân, các cơ quan nghiên cứu và người nông dân.
Trung tâm quốc gia về dữ liệu lớn trong ngành nông nghiệp sẽ là cơ sở dữ liệu thông tin trung tâm để nông dân và khối tư nhân truy cập thông qua ứng dụng “Digital Farmer” trên nền tảng điện thoại và máy tính. 22 Cục, Vụ trực thuộc Bộ NN&HTX Thái Lan sẽ cung cấp dịch vụ trực tuyến từ thời điểm 01/01/2020. Ngoài ra, 77 tỉnh thành trên cả nước sẽ thành lập trung tâm đổi mới và công nghệ nông nghệp trong năm 2020.
Trong bối cảnh tỷ giá đồng baht so với đồng usd được dự báo sẽ còn tiếp tục bất lợi cho Thái Lan, ngành nông nghiệp nước này đặt mục tiêu duy trì kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm hơn 1 nghìn tỷ Baht trong năm 2020.
2. BAAC phân bổ gói vay 65 tỷ Baht cho nông dân và doanh nghiệp cộng đồng
Ban lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC) đã thông qua các gói vay trị giá 65 tỷ Baht cho nông dân và cá nhân mua máy móc và sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp, thời gian thực hiện đến tháng 3/2023. 15 tỷ baht sẽ được phân bổ cho nông trại quy mô nhỏ và 50 tỷ còn lại dành cho các doanh nghiệp cộng đồng và hợp tác xã nông nghiệp, trong đó các khoản vay 8 năm chỉ phải chịu mức lãi suất hàng năm là 0,01%.
3. Nội các Thái Lan thông qua gói hỗ trợ SME trị giá hơn 100 tỷ Bạt
Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kinh tế toàn cầu bất ổn, xuất khẩu sụt giảm và đồng baht tăng giá, ngày 07/01, nội các Thái Lan đã thông qua gói tài chính trị giá hơn 100 tỷ baht để hỗ trợ các doanh nghiệp SME đang gặp khó khăn, bao gồm việc miễn thuế cho các doanh nghiệp đang tái cấu trúc các khoản nợ ngân hàng; cung cấp các gói vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, khoảng 4%/năm cho khoản vay 7 năm.
4. Thái Lan khó đạt mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2019
Theo đánh giá của ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, các nguyên nhân chính gồm giá cao, đồng Baht mạnh, thiên tai đã ảnh hưởng mạnh đến khối lượng và giá trị gạo xuất khẩu năm 2019 của Thái Lan. Ngoài ra còn 1 nguyên nhân nữa là gạo Thái kém đa dạng, 30 năm qua nước này không xuất khẩu bất cứ giống gạo mới nào, trong khi chất lượng giảm sút do thay đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu và thay đổi phương pháp canh tác. Do thiếu hụt nhân lực, nông dân Thái Lan chọn sử dụng máy móc và hóa chất khiến thay đổi hương vị gạo thơm, trong khi Việt Nam hiện có tới 7-8 loại gạo xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu thế giới.
Đây có thể coi là bước lùi của ngành gạo Thái Lan nếu so sánh năm 2016, Thái Lan xuất khẩu 9,91 triệu tấn, năm 2017 xuất khẩu 11,7 triệu tấn, năm 2018 xuất khẩu 11,2 triệu tấn, bình quân 10 triệu tấn/năm, trong đó một nửa là gạo trắng.