Sinh viên ba trường đại học thắng lớn tại EPICS
Vượt qua các ứng viên khác, các đội sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM đã giành giải thưởng cao nhất tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS)...
BTC trao giải Nhất cho Dự án Găng tay phục hồi chức năng của đội tuyển DUT Team1 - ANNAM (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng)
Đó là các dự án sáng tạo về găng tay phục hồi chức năng, trà giải lo âu Assamica và phần mềm hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú.
Cuộc thi thuộc Dự án thúc đẩy hợp tác trường đại học và doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ (BUILD-IT) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, triển khai bởi Đại học Bang Arizona và Chương trình STEM của Dow Việt Nam cùng phối hợp hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho sinh viên và học tập thông qua dự án tại các trường đại học tại Việt Nam.
Theo đó, sau 5 tháng triển khai với sự tham gia của 27 đội cùng hơn 150 sinh viên khối ngành STEM đến từ 6 trường đại học kỹ thuật, cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (EPICS, thuộc Dự án USAID BUILD-IT & Chương trình STEM của Dow Việt Nam) vừa kết thúc.
Giải Nhất thuộc về Dự án Găng tay phục hồi chức năng của đội DUT Team1 - ANNAM đến từ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng;
Dự án Trà giải lo âu Assamica của đội HCMUT Team 3 - MED TECH đến từ Trường ĐH Bách khoa TP HCM giành giải Nhì;
Dự án Phần mềm hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú của đội IUH Team2 - iDr đến từ Trường ĐH Công nghiệp TP HCM giành giải Ba.
27 đội sinh viên đến từ 6 trường đại học kĩ thuật là đối tác của Dự án BUILD-IT đã trưng bày các sản phẩm nguyên mẫu đổi mới sáng tạo và thuyết trình về dự án của mình trước giám khảo đến từ khối chính phủ, doanh nghiệp và học thuật tại cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng thuộc Dự án USAID BUILD-IT & Chương trình STEM của Dow Việt Nam, phối hợp tổ chức cùng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Đây là một chương trình cốt lõi trong khuôn khổ nhiệm vụ của Dự án BUILD-IT nhằm tích hợp phương pháp học tập theo dự án vào chương trình học của trường đại học, cho thấy cam kết vững chắc của chính phủ, doanh nghiệp và học thuật để đưa phương pháp học tập theo dự án vào chương trình học tại các trường đại học tiên phong.
Găng tay phục hồi chức năng
Nói về Dự án Găng tay phục hồi chức năng đã giành giải Nhất cuộc thi, đội tuyển DUT Team1 - ANNAM đến từ Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, mỗi năm, có khoảng 200.000 ca đột quỵ xảy ra ở Việt Nam (according.vn).
Sau đột quỵ thường dẫn đến bệnh nhân bị liệt, đặc biệt là liệt bàn tay, khiến họ rất khó khăn khi thực hiện những thao tác đơn giản hàng ngày. Họ phải thực hiện các bài tập phục hồi để cải thiện khả năng vận động của cơ tay. Các bệnh nhân thường tới phòng khám hoặc bệnh viện để được các kĩ thuật viên vật lý trị liệu hỗ trợ tập luyện.
Tuy nhiên việc điều trị dài ngày tại các cơ sở trên tốn khá nhiều chi phí, các cơ sở cũng thường xuyên bị quá tải bệnh nhân dẫn đến chất lượng các bài tập chưa cao. Các thiết bị hỗ trợ trên thị trường cũng rất đơn giản, chủ yếu là những quả bóng mềm. Thêm vào đó, dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp khiến việc đi lại chữa trị gặp khó khăn.
"Vì vậy, chúng tôi quyết định làm một chiếc găng tay phục hồi chức năng giúp các bệnh nhân đột quỵ có thể tự tập luyện tại nhà. Đây là giải pháp hỗ trợ 1 phần đối với các bệnh nhân. Giúp họ có thể tự tập luyện một cách thường xuyên, liên tục. Từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí chữa trị... " - một thành viên nhóm chia sẻ.
Trà giải lo âu Assamica
Nói về ý tưởng thực hiện dự án Trà giải lo âu Assamica giành giải Nhì, đội HCMUT Team 3 - MED TECH đến từ Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết, stress là một thách thức tồn tại từ nhiều năm nay, tuy nhiên chưa có giải pháp thật sự hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Ngay lúc này đây, khi đại dịch Covid-19 kéo đến, vấn đề stress ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đây không chỉ là thách thức mà còn mở ra cơ hội để tung ra thị trường một sản phẩm đột phá giúp thay đổi thị trường và MedtTech tự tin có thể đảm nhận trọng trách cao cả này.
Assamica là một loài cây mọc hoang dại tại thành phố Đà Lạt. Người dân nơi đây sử dụng loại cây này như một loại thảo dược tự nhiên giúp dễ ngủ, nâng cao sức khỏe, tuy nhiên lại không căn cứ trên một nghiên cứu khoa học. Chúng tôi - nhóm MedTech cố gắng trở thành người tiên phong thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về loại vật liệu này cũng như tạo ra sản phẩm mới dựa trên các công nghệ cốt lõi của nhóm.
Về sản phẩm, đầu tiên, Assamica là một sản phẩm vượt trội, lần đầu tiên xuất hiện với hiệu quả giải stress (giảm lo âu) ưu việt, giá cả phải chăng và đặc biệt là không gây ra bất kì tác dụng phụ nào cho người sử dụng. Assamica đồng thời cũng giúp nâng cao sức khỏe cho người sử dụng, chống lão hóa và giúp người dùng "quay trở về với giấc ngủ tự nhiên".
Bên cạnh đó, sản phẩm được sản xuất từ 100% nguyên liệu hữu cơ của thành phố Đà Lạt. Sản phẩm đang trong quá trình đăng kí bằng sáng chế và đã hoàn tất hầu hết các đánh giá về mặt kĩ thuật (kiểm định về phương pháp chiết xuất; kiểm định về tính an toàn, liều sử dụng; kiểm định về hoạt tính kháng oxy hóa; kiểm định về khả năng giảm stress và kiểm định sơ bộ về tính khả thi của quy trình sản xuất ở quy mô bán công nghiệp) theo tiêu chuẩn Bộ Y Tế Việt Nam.
Vượt trội hơn, công nghệ sản xuất và vật dụng sản xuất bao bì của sản phẩm hoàn toàn xanh, dễ dàng chuyển đổi sang quy mô lớn và tuân theo tiêu chuẩn Việt Nam là một điểm nhấn của đề tài. Hiện dự án đang trong giai đoạn cuối cùng (khảo sát thị trường) để đem sản phẩm tốt nhất đến tay người sử dụng.
Phần mềm hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú
Nói về ý tưởng thực hiện dự án Phần mềm hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú giành giải Ba cuộc thi, đội IUH Team2 - iDr đến từ Trường ĐH Công nghiệp TP HCM cho biết, phần mềm này hổ trợ cho đối tượng là các bác sĩ x-quang trong việc đọc ảnh x-quang vú nhằm cải thiện hiệu suất làm việc và giảm thiểu rủi ro chẩn đoán sai. Nó có khả năng tự động phát hiện các khối u trong ảnh x-quang vú và phân loại chúng là khối u lành tính hay ác tính mà không cần sự can thiệp của con người.
Đây là lần thứ 6 chương trình EPICS được tổ chức tại Việt Nam và cũng là lần hợp tác tổ chức thứ năm với Chương trình STEM của Dow Việt Nam. Tới nay, Dow Việt Nam đã tài trợ hơn 182.000 USD và mang lại hơn 900 cơ hội cho sinh viên nâng cao sự tự tin và năng lực thực hiện các dự án đổi mới sáng tạo phục vụ cho nhu cầu của xã hội. Dow Việt Nam tài trợ cho các dự án của sinh viên, hỗ trợ giảng viên, và trực tiếp cố vấn về mặt doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sinh viên giải quyết các thách thức cấp bách mà Việt Nam đang đối mặt như đại dịch Covid-19.