TP HCM, nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi công nghiệp hỗ trợ
Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP HCM, cho biết, từ năm 2020 đến nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sản xuất sản phẩm đầu cuối đã gia tăng tìm kiếm nguồn cung sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Riêng trung tâm đang tiếp nhận danh mục hơn 400 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp FDI cần nguồn cung. Đơn cử, Tập đoàn Techonic Industries (TTI) tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam ở 4 lĩnh vực là phun nhựa, khuôn mẫu, điện, kim loại cho nhà máy đầu tư 650 triệu USD tại Khu công nghệ cao TP HCM…
Đến nay, có gần 5.000 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, là tín hiệu tích cực so với trước đây.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, Sở Công Thương hiện đã xây dựng thực hiện kế hoạch chương trình phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TP HCM năm 2022.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, Sở Công Thương đã công bố nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 với 155 doanh nghiệp. Từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quảng bá thông tin sản phẩm, Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo…
Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM triển khai xây dựng 3 chiến lược phát triển ngành cơ khí - tự động hóa; cao su - nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm đến năm 2030 và dự kiến sẽ trình UBND Thành phố trong quý IV tới đây.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Sở Công Thương đã tham mưu UBND Thành phố phê duyệt Kế hoạch tổ chức Chương trình nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng suất sản xuất và quản trị chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ năm 2022