Tập trung nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam
Dù được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp quan trọng, nhưng ngành ô tô Việt Nam mới chỉ đạt được những bước đi rất nhỏ trên chặng đường ghi tên vào chuỗi giá trị toàn cầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phải kể đến sự non trẻ của ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014, Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu đề ra và chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.
Loay hoay bài toán “nội địa hóa”
Hiện tại Việt Nam là một trong 4 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tương đối phát triển nhưng lại là nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất, chỉ đạt khoảng 10 - 15% tùy hãng. Trong khi đó các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều có tỷ lệ nội địa hóa lớn hơn 70% nhờ có thị trường lớn hơn.
Số liệu thực tế cho thấy, để sản xuất một chiếc ô tô cần sử dụng khoảng 30.000 chi tiết và linh kiện, nhưng phụ tùng linh kiện ô tô được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là những phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ đơn giản như: kính, săm, lốp, ghế ngồi…
Còn lại, các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng, thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao, Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn.
Phụ tùng linh kiện ô tô được sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là những phụ tùng thâm dụng lao động
Trước đó, để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, trong giai đoạn 2010 – 2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau, với tổng giá trị nhập khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỉ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).
Hiện nay, chỉ có một số ít nhà cung cấp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Nếu như Thái Lan có khoảng 700 nhà cung cấp cấp 1, 1.700 nhà cung cấp cáp 2 và 3 thì Việt Nam lại chưa đạt con số 100 và 150.
Điều này làm giảm tính chủ động trong quá trình sản xuất, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến giá thành của xe ô tô. Hơn nữa, máy móc, công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô tương đối lạc hậu, tốc độ trang bị mới còn chậm, khiến chất lượng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không được đảm bảo.
Đáng chú ý, theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ tham gia nhiều nhất của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành ô tô là khâu lắp ráp cuối cùng. Đây là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Không những thế, khi chuỗi giá trị toàn cầu tiến lên chuỗi giá trị 4.0, thì phần giá trị gia tăng trong khâu lắp ráp cuối cùng lại càng bị cắt giảm.
Tập trung mọi nguồn lực
Lý giải nguyên nhân của việc ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô, cũng như chưa tham gia nhiều vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, một số chuyên gia cho biết, các doanh nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên thiếu nhiều nguồn lực như vốn, công nghệ, con người (cả về chất và lượng)… nên không thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ những tập đoàn lớn.
Cùng với đó, sự liên kết trong mạng lưới sản xuất giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và lắp ráp ô tô, cũng như giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, và giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau hiện còn hạn chế.
Việt Nam là một trong 4 nước có hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tương đối phát triển nhưng lại là nước có tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất chỉ đạt khoảng 10 - 15% tùy hãng
Do vậy, để ngành công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô phát huy tốt vai trò đối với sự phát triển của ngành sản xuất ô tô nói riêng và nền kinh tế nói chung, cần bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại 3 miền cho các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Các Trung tâm này có vai trò là các trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, bao gồm cả công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.
Bên cạnh đó, xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghệ ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô (có thời hạn đến năm 2025), nhằm đảm bảo đủ nguồn kinh phí để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ; nâng cao vai trò của địa phương; thu hút đầu tư, có chính sách ưu đãi đối với phát triển công nghệ hỗ trợ ngành ô tô, tìm kiếm cơ hội thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng nội địa…
Bởi lẽ, công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô phát triển sẽ thúc đẩy giảm nhập khẩu các loại kinh kiện, phụ tùng, bán thành phẩm phục vụ ngành sản xuất ô tô của một quốc gia, hạn chế nhập siêu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành ô tô.
Bên cạnh đó, sẽ tạo hiệu ứng kéo theo các ngành công nghiệp khác phát triển như các ngành luyện kim, cao su, nhựa, hóa chất, điện - điện tử… tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần vào tăng trưởng kinh tế.