Hội chợ triển lãm quốc tế da giày Việt Nam sẽ diễn ra từ 16-18/11/2022
Từ ngày 16-18/11/2022, tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra hội chợ Triển lãm Quốc tế da & giày Việt Nam lần thứ 22 (The 22nd International Shoe & Leather Exhibition - Vietnam).
Triển lãm quốc tế da & giày lần này tập trung trưng bày giới thiệu sản phẩm, nguyên phụ liệu, thiết bị máy móc, công nghệ mới phục vụ ngành da - giày - túi xách và tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động bên lề liên quan trong khuôn khổ triển lãm. Hội chợ sẽ hội tụ các doanh nghiệp hàng đầu, với các thương hiệu nổi tiếng thế giới trong ngành da - giày đến từ Italy, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina,... và tất cả các doanh nghiệp - gương mặt đại diện tiêu biểu cho ngành da - giày Việt Nam.
Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với thị trường, gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu và nắm bắt thông tin, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, tìm kiếm đối tác tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường với các bạn hàng trong và ngoài nước, tạo động lực tăng trưởng mới cho mỗi doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển chung, hiệu quả hơn của ngành da - giày Việt Nam.
Sau 2 năm khó khăn và liên tiếp không hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam dự báo sẽ đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch; trong đó có vượt thu ngân sách nhà nước và tăng trưởng kinh tế trên 8% GDP so với mức đề ra chỉ là 6,5% của năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023 dự báo nhiều khó khăn, thách thức mới.
Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, ngành da giày Việt Nam trong 10 tháng năm 2022 cũng đã tăng trưởng sản xuất tới 17,7% và chỉ số sử dụng lao động ngành tăng tới 20,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng kim ngạch xuất khẩu da, giày, túi xách tăng tới trên 36%, với mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở thị trường Nam Mỹ (47,8 %), Bắc Mỹ (41,8 %), châu Âu (41%), châu Đại Dương (28,3%) và châu Á (20,2 %).
Xuất khẩu da giày của Việt Nam sang các thị trường khu vực EVFTA, CPTPP, UKVFTA và ASEAN tăng trưởng mạnh, lần lượt 43,9%; 39,8%; 36,8% và 45,4%; riêng thị trường EAEU lại sụt giảm tới -57,4%.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp da giày đạt từ 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Bởi vậy, những kết quả tham gia hội chợ được kỳ vọng giúp tổng kết, nhận diện đầy đủ, sâu sắc hơn bối cảnh kinh tế, những thuận lợi, khó khăn và xu hướng phát triển thời gian tới, gợi ý lời giải mới, hữu ích, đồng thời tạo cơ hội và động lực mới, trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ quá trình tiếp tục phục hồi và duy trì tăng trưởng thành công của mỗi doanh nghiệp và toàn ngành da giày Việt Nam trong những năm tới.