Vai trò của công đoàn trong việc phòng ngừa, hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp
Đ/c Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã chủ trì Hội thảo, tham dự còn có đại diện lãnh đạo Cục An toàn lao động – Bộ LĐTBXH, Cục Quản lý Môi trường Y tế - Bộ Y tế, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động và một số LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành Trung ương, một số công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh, các đơn vị khu công nghiệp và khu chế xuất tại TP.HCM.
Phó Chủ tịch TLĐLĐVN Mai Đức Chính phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo báo cáo của TLĐLĐVN, trong những năm gần đây, tình hình TNLĐ có xu hướng gia tăng cả về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng, nhiều vụ TNLĐ xảy ra làm chết và bị thương nhiều người, số người mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng lên. Theo các phân tích, đánh giá thì có đến 98% TNLĐ là do chủ quan từ điều kiện làm việc không an toàn hoặc thiếu an toàn và các hành vi, thao tác không bảo đảm hoặc không tuân thủ các quy định ATVSLĐ của cả NSDLĐ và NLĐ.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, cả nước xảy ra tổng số 8.956 vụ TNLĐ, làm 9.173 người bị nạn, trong đó 898 vụ có chết người với 928 người chết. TNLĐ không chỉ ảnh hưởng đến tài sản của DN, Nhà nước mà quan trọng nhất chính là sức khỏe, tính mạng của NLĐ. Do đó, việc trang bị cho người sử dụng lao động và NLĐ các kiến thức, kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện các nguy cơ, rủi ro về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp là hết sức quan trọng, chủ động giúp họ phòng ngừa và hạn chế được các sự cố về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp xảy ra.
Đồng chí Trần Quang Huy phát biểu tham luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Trần Quang Huy đã có bài tham luận về kết quả thực hiện và bài học kinh nghiệm, các giải pháp về ATVSLĐ của ngành Công Thương trong thời gian qua. Bài tham luận đã nhận được sự quan tâm tại Hội thảo khi ngành Công Thương luôn là một trong những Công đoàn ngành Trung ương đi đầu, có nhiều sáng kiến, nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả để hạn chế và ngăn chặn các vụ TNLĐ xảy ra trong Ngành.
Các nội dung tham luận khác tại Hội thảo cũng đã thẳng thắn nêu lên nhiều vụ TNLĐ xảy ra những năm qua là do nhiều doanh nghiệp kiểm tra, khảo sát đánh giá vẫn mang tính hình thức, có những nơi số liệu khảo sát cách đây 10 năm vẫn báo cáo, nhất là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa đánh giá độ rủi ro tại nơi làm việc. Hiện nay cả nước có trên 1.000 nghề, công việc đã được đưa vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà người lao động hàng ngày đang phải đối mặt, có nhiều lĩnh vực có nguy cơ cao làm mất an toàn sức khỏe, tính mạng và gây bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN cho rằng, hiện nay trong thực tế các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài làm tốt công tác ATVSLĐ, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ làm chưa được tốt, cụ thể như: chưa đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất, công tác tuyền truyền, tập huấn chưa nhiều, cán bộ làm công tác ATVSLĐ chưa được đào tạo... Đ/c Mai Đức Chính nhấn mạnh, Quốc hội vừa thông qua luật ATVSLĐ, đây là hành lang pháp lý quan trọng để làm tốt công tác này trong thời gian tới, TLĐLĐVN kêu gọi các cấp công đoàn cần tuyên truyền, tập huấn và thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các đơn vị quan tâm hơn nữa đến công tác ATVSLĐ, đăc biệt là những nơi có yếu tố nguy hiểm có nguy cơ mất an toàn dẫn đến TNLĐ, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho người lao động, yếu tố có nguy hại, nguy cơ làm suy giảm sức khỏe và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Cũng tại TP. HCM, ngày 06/5/2018, Ban chỉ đạo Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ lần thứ hai năm 2018.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh, với chủ đề “Chủ động các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ và bệnh nghề nghiệp”, Ban chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương đề nghị, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương trong cả nước tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm, gồm: Tổ chức tốt việc quán triệt các chỉ thị nghị quyết của Đảng, Pháp luật Nhà nước về ATVSLĐ, phân tích đánh giá cụ thể ngành, cơ quan mình từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ; đẩy mạnh truyền thông với chủ thể là người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường thanh, kiểm tra về VSATLĐ, nhất là các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có nguy cơ mất ATLĐ và bệnh nghề nghiệp; thực hiện tốt quản lý về nhà nước, có biện pháp xử lý nghiêm minh các đơn vị, cá nhân không bảo đảm ATVSLĐ; huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đổi mới công nghệ, phương tiện cá nhân; thường xuyên rút kinh nghiệm nhân rộng các điển hình thực hiện tốt về ATVSLĐ; từng doanh nghiệp cần chủ động rà soát, đánh giá đúng thực trạng có biện pháp phòng ngừa sát thực; từng người lao động chủ động nâng cao kiến thức, tuân thủ đúng quy trình, nội quy lao động, kịp thời phản ánh những doanh nghiệp, cơ sở không bảo đảm ATVSLĐ với cơ quan chức năng và kiên quyết không làm việc cho các cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm ATVSLĐ…