Tọa đàm “Công nhân – Công đoàn và tiền lương trong doanh nghiệp” ngành Công Thương
Tham dự Tọa đàm, về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ông Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động; về phía CĐCTVN có bà Tạ Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch, đại diện các phòng, ban của Công đoàn Ngành và đại diện của 13 Công đoàn cấp trên cơ sở, 4 công đoàn cơ sở trực thuộc đã được lựa chọn khảo sát thời gian qua liên quan đến vấn đề công nhân, công đoàn và tiền lương trong doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Tạ Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch CĐCTVN nhấn mạnh đến vai trò của CBCNVCLĐ ngành Công Thương đóng góp và sự phát triển tổng thể của nền kinh tế. Với hơn 175.000 lao động làm việc trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực rộng lớn của Ngành, người lao động công thương luôn thể hiện sự cần cù, sáng tạo. Nhiều năm qua, các tổ chức công đoàn cấp trên và cơ sở đã có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa để phát triển các vấn đề liên quan đến công nhân, công đoàn, tiền lương, đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất để người lao động yên tâm công tác, đóng góp cho sự phát triển của Ngành.
Bà Tạ Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch CĐCTVN
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp và người lao động gặp rất nhiều khó khăn. Người lao động ngày càng được đào tạo bài bản hơn, có những kỹ năng đáp ứng tốt hơn trong tình hình thực tế, tuy nhiên, thực tế cho thấy, những vấn đề về công nhân, công đoàn, đảm bảo tiền lương cho người lao động là những vấn đề then chốt luôn được công đoàn các cấp quan tâm, tìm hiểu để đổi mới và ngày càng vì người lao động hơn. Đó cũng là mục đích của Tọa đàm hôm nay cũng như những chuyến công tác mới đây của Công đoàn Ngành nhằm tìm hiểu tình hình thực tế tại các doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn gửi lời cảm ơn đến CĐCTVN vì thời gian qua đã tạo điều kiện hỗ trợ để Viện Công nhân và công đoàn đi khảo sát doanh nghiệp, nắm bắt tình hình công nhân, cán bộ công đoàn khắp ba miền tổ quốc. Theo ông Vũ Minh Tiến, đây là cuộc điều tra mang tính tổng hợp để nắm bắt tâm tư tình cảm của người lao động. Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn nhấn mạnh, Tọa đàm với sự tham gia của các Lãnh đạo Công đoàn, do đó, đây sẽ là diễn đàn mở để những người làm công tác công đoàn ngành Công Thương thẳng thắn chia sẻ những thông tin thực tế từ chính đơn vị của mình, góp phần bổ sung cho Đề án đổi mới của Tổng liên đoàn xây dựng trong thời gian tới.
Ông Vũ Minh Tiến - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn
Trong những năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp trong ngành Công Thương đã động viên CBCNVCLĐ nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các cấp Công đoàn trong Ngành cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, CĐCTVN, phối hợp với chuyên môn tổ chức sản xuất, kinh doanh, phát động các phong trào thi đua nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích và đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
CĐCTVN trực tiếp quản lý và chỉ đạo 16 công đoàn cấp trên cơ sở (với 418 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn cấp trên cơ sở) và 146 công đoàn cơ sở trực thuộc (là các Công ty, Cục, Viện, Trường trực thuộc Bộ). Số lượng CBCNVCLĐ là 175.239 người, trong đó có hơn 53.000 lao động nữ, chiếm tỷ lệ 30,61%.
Về nhận thức chính trị, tâm tư nguyện vọng của công nhân, lao động: hầu hết, đội ngũ CBVCLĐ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm, phấn khởi trước sự phát triển của ngành, sự quan tâm tâm ủa lãnh đạo, tổ chức công đoàn đến đời sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, còn nhiều băn khoăng, lo lắng, bức xúc do việc sắp xếp, cổ phần hóa nên việc làm, thu nhập, tiền lương của lao động trong ngành còn thấp.
Về vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động,mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp vẫn cố gắng tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tình hình việc làm trong toàn Ngành tương đối ổn định, người lao động cơ bản đủ việc làm. Tuy nhiên, do một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, chuyển đổi hình thức sở hữu dẫn dến tình trạng người lao động vẫn thiếu việc làm.
Ông Hồ Phi Giao – Trưởng Ban Tổ chức CĐCTVN cho biết, CĐCTVN hiện hoạt động rất thuận lợi, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước có nề nếp, mối quan hệ đang rất thuận lợi, trừ một số đơn vị đang cổ phần. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn về trình độ người lao động hiện nay, ông Hồ Phi Giao cho biết, khoảng 80% lực lượng công nhân (chủ yếu tại các doanh nghiệp FDI) chưa qua đào tạo, dẫn đến người sử dụng lao động phàn nàn về kỹ năng lao động kém, tác phong chưa tốt, năng suất lao động chưa cao. Người sử dụng lao động nước ngoài thường phải đào tạo thêm các kỹ năng cho người lao động Việt, trong đó có kỹ năng làm việc theo nhóm. Hiện nay, mặt bằng chung tại các doanh nghiệp trả lương cho người lao động đang ở mức thấp. Vấn đề tiền lương đặt ra bài toán cho người sử dụng lao động đặc biệt trong các doanh nghiệp liên doanh.
Đại diện Công đoàn Công ty CP Giày Đông Anh chia sẻ, hiện Công ty đang trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa, do đó gặp nhiều khó khăn. Với 1.300 công nhân, với mức lương bình quân đã giảm, hiện còn từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng, đời sống của người lao động rất vất vả. Theo đó, khó khăn lớn nhất tại thời điểm này của người lao động Công ty là sự bất an trong vấn đề việc làm và tiền lương.
Là doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, Công ty TNHH phụ tùng ô tô xe máy Showa Việt Nam có đặc thù là toàn công nhân nam. Quá trình tuyển dụng của Công ty cũng tương tự như nhiều doanh nghiệp FDI khác, diễn ra khá gắt gao. Chính quá trình đào thải là rào cản lớn khiến người lao động không ổn định tâm lý. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Công đoàn của Công ty cũng chia sẻ thêm những khó khăn đối với người lao động liên quan đến vấn đề phụ cấp và tiền lương.
Các ý kiến đóng góp tại Tọa đàm đã được Ban tổ chức tổng hợp và bổ sung vào Đề án của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, hướng tới mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện các vấn đề liên quan đến công nhân, công đoàn và tiền lương, tất cả vì sự phát triển của người lao động.
Hồng Hạnh