Thủy điện Hòa Bình được công nhận là công trình trọng điểm về an ninh quốc gia
Dự Hội nghị có Thượng tướng Bùi Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Cục An ninh Kinh tế, Tổng cục An Ninh (Bộ Công An), Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) và UBND tỉnh Hòa Bình.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có sự tham dự của ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN và ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN.
Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Theo Thượng Tướng Bùi Văn Nam, gần 30 năm qua, NMTĐ Hòa Bình đã hoàn thành xuất sắc cả 4 mục tiêu: Điều hòa, cắt lũ, đảm bảo an toàn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội; sản xuất điện năng cung cấp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; chống hạn cho đồng bằng Bắc bộ; thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương...
Với tầm quan trọng đó, NMTĐ Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục công trình trọng điểm liên quan đến an ninh quốc gia.
“Cùng với các NMTĐ Sơn La, Lai Châu, NMTĐ Hòa Bình là nguồn lực có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua và thời gian tới. Sau Hội nghị này, nhiệm vụ bảo vệ Thủy điện Hòa Bình phải được coi là nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Công an, của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và cấp ủy chính quyền địa phương tỉnh Hòa Bình” - Thượng tướng Bùi Văn Nam khẳng định.
Ông Đặng Hoàng An - Tổng giám đốc EVN phát biểu tại Hội nghị
Cũng tại Hội nghị, Tổng giám đốc EVN Đặng Hoàng An cho biết, NMTĐ Hòa Bình là điểm đầu của hệ thống 500 kV Bắc - Nam, đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo sự vận hành an toàn, tin cậy của đường dây siêu cao áp 500 kV. Ngày 24/5/2016, NMTĐ Hòa Bình đạt mốc sản xuất 200 tỷ kWh - một kỷ lục mà chưa nhà máy thủy điện nào ở Việt Nam đạt được.
Lãnh đạo EVN cho biết thêm, hiện quy mô hệ thống điện Việt Nam đã đứng thứ 2 Đông Nam Á (sau Indonesia) và thứ 30 trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã có bước tiến khổng lồ trong công tác điện khí hóa nông thôn, với 99,7% số xã và 98,69% số hộ dân nông thôn có điện. EVN cũng đã tiếp nhận quản lý và bán điện đến gần hết các huyện đảo trên cả nước. Tập đoàn cũng đang triển khai tiếp nhận quản lý hệ thống điện trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và đảo Trường Sa (Khánh Hòa)… Do đó, công tác đảm bảo an ninh đối với các công trình điện là rất quan trọng và luôn được Tập đoàn quan tâm.
Hệ thống điện Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển nhanh với quy mô ngày càng lớn. Trong đó, với chức năng, nhiệm vụ của công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, có thể khẳng định vị trí, vai trò của NMTĐ Hòa Bình sẽ không thay đổi, nhất là trong chống lũ, cấp nước chống hạn cho hạ du và cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng - lãnh đạo EVN khẳng định.
Hiện, Thủy điện Hòa Bình đang được mở rộng lắp đặt thêm 2 tổ máy, nâng tổng công suất từ 1.920 MW lên 2.400 MW. Các tổ máy sẽ lần lượt được đưa vào vận hành vào năm 2021 và 2022, góp phần tăng công suất phủ đỉnh, duy trì vận hành ổn định, tin cậy cho hệ thống điện Việt Nam.
Một số thông tin về NMTĐ Hòa Bình: |