Sáng tạo để vượt khó
Là điển hình trong “Câu lạc bộ 2 tấn”, hơn 10 năm qua, Nông trường Cao su Bến Củi (Công ty CP Cao su Tây Ninh) liên tục duy trì năng suất vườn cây bình quân trên 2 tấn/ha. Đây là kết quả của việc áp dụng các sáng kiến vào sản xuất. Có thể nói tại Nông trường Cao su Bến Củi, từ anh công nhân (CN) đến thành viên ban giám đốc đều rất nhạy bén và có óc sáng tạo. Đây cũng là đơn vị duy nhất 2 năm liền đều có cá nhân đạt giải thưởng Cao su Việt Nam - giải thưởng cao quý của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Giải phóng sức lao động
Nhắc đến thợ giỏi tại Nông trường Cao su Bến Củi phải kể đến chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, CN cạo mủ Đội C1. Xuất thân trong gia đình có truyền thống làm CN cao su, chị Dung cũng chọn công việc này để lập nghiệp. Hơn 10 năm gắn bó, chị là người thợ dày dạn kinh nghiệm và được mọi người biết đến nhờ óc sáng tạo không ngừng. Điển hình như sáng kiến “ủ chén bằng amoniac”. Chị kể, trước đây công đoạn làm sạch chén rất nhiêu khê, đầu tiên phải nấu bằng nước sôi, sau đó mới mang ra chà rửa. Do đó, tỉ lệ chén vỡ cao (gần 50%) mà còn tốn nhiều thời gian như phải mất một ngày, 4 thợ mới tẩy xong 450 chén.
Luôn nung nấu ý nghĩ rút ngắn thời gian làm sạch chén, trong một lần tình cờ phát hiện dung dịch amoniac (giúp chống đông mủ) có thể khiến cặn bẩn bong ra, chị Dung lóe lên ý nghĩ dùng nó để rửa chén. Sau nhiều lần thử nghiệm, chị đã thành công. “Cách làm này không khiến chén bị vỡ và tiết kiệm thời gian” - chị phấn khởi. Bên cạnh việc ủ chén bằng amoniac, chị Dung còn có nhiều sáng kiến được áp dụng cho toàn nông trường.
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao giải thưởng cho các điển hình lao động sáng tạo
Một điển hình sáng tạo khác tại Nông trường Cao su Bến Củi chính là ông Nguyễn Văn Tài, giám đốc nông trường. Để làm gương cho CN và thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, ông bỏ nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và đã thực hiện thành công 3 sáng kiến, làm lợi hơn 1,5 tỉ đồng. Đó là các sáng kiến cải tiến xe vận chuyển mủ thành xe chữa cháy vườn cây cao su, giải pháp khai thác hết tiềm năng sản lượng vườn cây nhóm III và cây tận thu... Thu phục người lao động bằng tinh thần làm việc và sáng tạo không mệt mỏi, điều mà ông Tài hướng đến chính là hợp sức tạo nên một tập thể sáng tạo để vượt khó. “Trong thời điểm ngành cao su gặp nhiều khó khăn thì chỉ có sự đồng lòng sáng tạo mới giúp nông trường đứng vững. Không chỉ bản thân tôi mà mỗi CN đều cố gắng sáng tạo từ những khâu nhỏ nhất để giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm thời gian và công sức” - ông chia sẻ.
Sáng kiến đã thành máu thịt
Một tấm gương sáng tạo nổi bật từng được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao giải thưởng là ông Hoàng Văn Trung, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí vận tải (Tổng Công ty Cao su Đồng Nai). 31 năm công tác, từ nhân viên rồi trở thành quản lý, ông đã sở hữu gần 20 công trình, sáng kiến cải tiến với tổng giá trị làm lợi hơn 17,3 tỉ đồng. Nhắc đến quá trình dày công sáng chế nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất, ông Trung nói: “Nhiều năm sửa chữa, bảo trì máy móc, tôi nhận thấy việc nhập máy móc từ nước ngoài có rất nhiều hạn chế, không chỉ tốn chi phí mà việc sửa chữa rất phiền phức. Do đó, tôi luôn trăn trở phải làm sao để tự chế tạo máy móc”.
Từ ý nghĩ ấy, ông mạnh dạn chuyển hướng nghiên cứu chế tạo máy. Sự nỗ lực của ông đã được đền đáp xứng đáng khi ngày càng nhiều thiết bị quan trọng “made in Vietnam” được áp dụng. Trong đó, thiết bị tự sáng chế mà ông tâm đắc nhất là lò sấy công suất 2,5 tấn/giờ. Đây là thiết bị phức tạp trong các thiết bị chế biến cao su. Với ưu điểm vượt trội so với lò sấy nhập ngoại là chi phí thấp, năng suất cao, lò sấy do ông sáng chế còn tiết kiệm nhiên liệu mỗi năm 460 triệu đồng đối với dây chuyền mủ tinh, 800 triệu đồng với dây chuyền mủ tạp.
Sau thành công đó, ông Trung liền đặt hết tâm huyết vào việc chế tạo máy móc. Những năm qua, ông đã cùng CN thiết kế, chế tạo nhiều loại máy móc cho 5 nhà máy thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và các nhà máy khác. Thành công ấy đã giúp xí nghiệp tạo được uy tín và thương hiệu.