Hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 33; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 34 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật hình sự trong các trường hợp: Hành vi trộm cắp điện thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP; Hành vi trộm cắp điện không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1Điều này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo hướng dẫn tại mục 3.4 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật hình sự năm 1999 hoặc trước đó người thực hiện hành vi trộm cắp điện đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi chiếm đoạt tài sản mà chưa hết thời hạn bị coi là chưa bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích.
Thông tư liên tịch 27 quy định rõ hồ sơ vụ trộm cắp điện chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra bao gồm: Văn bản chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện; Biên bản vi phạm hành chính; Bản tính số lượng điện bị trộm cắp và giá trị thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra (tiền bồi thường đối với hành vi trộm cắp điện); Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với vụ việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó lại phát hiện có dấu hiệu tội phạm); Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đối với vụ việc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đang trong quá trình thi hành nhưng sau đó lại phát hiện có dấu hiệu tội phạm); Biên bản kiểm tra sử dụng điện (nếu có), Biên bản kiểm tra hoạt động điện lực (nếu có); Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng (nếu có), Biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng (nếu có); Sơ đồ trộm cắp điện, ảnh, băng ghi hình, dữ liệu điện tử ghi nhận và mô tả hành vi vi phạm (nếu có); Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và các tang vật, phương tiện vi phạm kèm theo (nếu có); Các giấy tờ, tài liệu và đồ vật khác có liên quan.
Khi nhận được hồ sơ vụ trộm cắp điện, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có trách nhiệm giải quyết theo quy định tại các Điều 9, 10, 11, 12 và Điều 13 Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Quá thời hạn giải quyết theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC mà người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đã chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện không nhận được thông báo bằng văn bản về việc xử lý của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì có quyền kiến nghị với Cơ quan Cảnh sát điều tra đang giải quyết vụ việc hoặc Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét, giải quyết.
Thông tư liên tịch 27 có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2015.
Chi tiết Thông tư xem tại đây