Hiệp định CPTPP nhìn từ tình hình xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Ca-na-đa
Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019 được coi là đòn bẩy cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước bởi đây là lần đầu tiên hai nước thiết lập quan hệ FTA. Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Ca-na-đa được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, giày dép, thủy sản, chè, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Ca-na-đa Việt Nam hiện vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Ca-na-đa trong khu vực ASEAN kể từ năm 2015. Thương mại hai chiều tăng mạnh ổn định trong những năm gần đây, đạt khoảng 20-25%/ năm và Việt Nam luôn xuất siêu. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ca-na-đa đạt hơn 4,3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ Ca-na-đa đạt 726 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu chính Việt Nam sang thị trường Ca-na-đa cũng là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm: dệt may, giày dép, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, đồ gỗ… Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm như cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả… cũng đã và đang bước đầu có tăng trưởng xuất khẩu tích cực sang thị trường này trong thời gian qua.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Vi ệt Nam từ ngày 14 tháng 01 năm 2019 được coi là đòn bẩy cho việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước bởi đây là lần đầu tiên hai nước thiết lập quan hệ FTA. Với việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, Ca-na-đa được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, giày dép, thủy sản, chè, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.
Tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Ca-na-đa
Năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019. Trong số đó, các sản phẩm gỗ đạt kim ngạch 9,54 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2019, chiếm 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Trong 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch mặt hàng này của Việt Nam đều tăng đều qua các năm trong 10 năm qua.
Đối với thị trường Ca-na-đa, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020 đạt gần 219,8 triệu USD, tăng 14,4% so với năm 2019. Trong 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Ca-na-đa đạt 169,3 triệu USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 90% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng khác như gỗ, ván và ván sàn; đồ gỗ mỹ nghệ; khung gương cũng tăng trưởng mạnh.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Ca-na-đa, 4 thị trường cung cấp chính đồ nội thất bằng gỗ cho nước này hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam, EU và Hoa Kỳ, chiếm hơn 80% thị phần tại Ca-na-đa.
Nhu cầu đối mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Ca-na-đa: Ca-na-đa là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ rất mạnh với sản lượng lên tới 600 triệu m3/năm. Quốc gia này cũng là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng thế giới. Tuy vậy, nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Ca-na-đa đang tiếp tục tăng mạnh, trong bối cảnh ngành công nghiệp nội thất nước này giảm sản xuất trong nước do không thể cạnh tranh được với các thị trường nước ngoài có lợi thế chi phí rẻ hơn, trong đó có Việt Nam.
Theo một số phân tích, thị trường đồ nội thất gia đình của Ca-na-đa dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 6% trong giai đoạn 2021-2025. Về mặt hàng cụ thể, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, và đồ nội thất phòng ngủ là 3 mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất tại thị trường Ca-na-đa.
Xu hướng và thói quen tiêu dùng các mặt hàng này của người tiêu dùng Ca-na-đa có thể kể đến như sau:
- Xu hướng gia tăng đối với đồ nội thất nhỏ gọn, đa năng, được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường.
- Người Canada ưa chuộng sản phẩm có độ bền và thời gian sử dụng lâu dài, do đó ngày càng có nhiều nhu cầu về đồ nội thất cao cấp.
- Sản phẩm gỗ xuất sang Ca-na-đa nên chú trọng đến chất liệu chịu được tác động của thay đổi khí hậu, thời tiết vì vào mùa đông Ca-na-đa rất lạnh.
- Nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Ca-na-đa đối với các sản phẩm châu Á rất quan trọng đối với những người có thu nhập trung bình và thấp, những người không đủ khả năng mua các sản phẩm được sản xuất tại Ca-na-đa.
Những quy định của Ca-na-đa và Hiệp định CPTPP áp dụng đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ:
Về thuế quan: Mặt hàng gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ nằm chủ yếu ở HS Chương 44 và 94. Hiện nay, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Ca-na-đa nói chung, và mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng được hưởng ưu đãi theo ba cơ chế thuế quan bao gồm: MFN trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập GPT (General Preferential Tariff), và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. a. Cơ chế thuế quan MFN trong khuôn khổ WTO Thuế MFN là mức thuế Ca-na-đa đã và đang cam kết trong khuôn khổ WTO kể từ năm 1995. Hiện nay, thuế MFN được Ca-na-đa dành cho hàng hóa được nhập khẩu vào Ca-na-đa từ lãnh thổ của 228 quốc gia trên thế giới, kể cả các nền kinh tế là thành viên WTO và các nền kinh tế không phải là thành viên WTO. Hiện nay, Việt Nam là một trong 228 quốc gia được hưởng ưu đãi thuế quan MFN của Ca-na-đa.
Đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng, mức thuế MFN hiện nay từ 0% đến 9,5%, trong đó mặt hàng nội thất bằng gỗ, là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của ta có mức thuế dao động từ 6% đến 9,5%.
Cơ chế thuế quan GPT Kể từ năm 1974, Ca-na-đa khởi động chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập dành cho các nước đang và kém phát triển với mục đích nhằm hỗ trợ các nước này trong việc phát triển kinh tế. Tính đến ngày 01 tháng 4 năm 2021, cơ chế GPT được dành cho hàng xuất khẩu sang Ca-na-đa từ 106 quốc gia với điều kiện đáp ứng được các quy định về nguồn gốc xuất xứ của riêng cơ chế này.
Cơ chế GPT không dành cho tất cả các mặt hàng. Đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nằm ở Chương 44 và Chương 94, cơ chế GPT được áp dụng đối với tất cả các dòng hàng này. Mức thuế GPT đối với các dòng hàng gỗ và sản phẩm gỗ từ 0% đến 6%, trong đó mặt hàng nội thất bằng gỗ có mức thuế GPT chủ yếu ở mức 3% đến 6%. Cần lưu ý, để được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế GPT, hàng xuất khẩu từ Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ dành riêng cho cơ chế này được ban hành tại Quy định số SOR/2013/165 về Quy tắc Xuất xứ Ưu đãi thuế quan phổ cập và thuế quan của các nước kém phát triển.