Đối thoại cấp cao về các sáng kiến liên kết kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
Đối thoại quy tụ các lãnh đạo cấp cao của 15 nền kinh tế, bao gồm: 12 quốc gia tham gia ký kết TPP, Colombia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tại phiên Đối thoại chung, các trưởng đoàn đều chia sẻ rằng hiện nay, thế giới đang đứng trước bối cảnh phức tạp và nhạy cảm, tốc độ tăng trưởng thương mại chậm hơn so với thời gian trước đây, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch xuất hiện trở lại làm gia tăng tình trạng không chắc chắn của nền kinh tế thế giới, kéo theo nhiều hệ lụy về chính trị, thị trường lao động, tài chính, đầu tư, năng lượng... Hơn lúc nào hết các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cần phát huy các sáng kiến nhằm mục tiêu tự do hóa thương mại, để “cùng tiến lên hoặc cùng thất bại”.
Phía Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên Đối thoại, trong đó nêu bật việc tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương theo tiêu chuẩn mới là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực, liên khu vực. Đồng thời, với vai trò là nước Điều phối quan hệ ASEAN-AP năm 2017, Việt Nam đề xuất các sáng kiến tập trung vào hợp tác thực chất, trong các lĩnh vực ưu tiên; thực hiện nghiêm túc Kế hoạch hành động đã kí kết, tăng cường trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau nâng cao năng lực thông qua các kênh hợp tác cả song phương và đa phương…
Bên lề Đối thoại, các lãnh đạo cấp cao của 11 nền kinh tế tham gia ký kết TPP (trừ Hoa Kỳ - quốc gia đã rút khỏi Hiệp định) đã nhóm họp và đi đến đồng thuận chung, trong đó nhấn mạnh cam kết của mình trong việc hợp tác để duy trì thị trường mở và tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tăng cường hệ thống quy tắc của thương mại quốc tế; nhắc lại tầm quan trọng của sự cân bằng lợi ích, tầm quan trọng chiến lược và kinh tế của TPP, nhấn mạnh đến các nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn cao như là một động lực chính của hội nhập kinh tế khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cạnh tranh, đổi mới và tăng năng suất, cùng tiềm năng tạo thêm việc làm và giảm chi phí cho người tiêu dùng.
Các quan chức thương mại cấp cao sẽ gặp và tham vấn để chuẩn bị cho cuộc họp của các Bộ trưởng bên lề Hội nghị Bộ trưởng thương mại APEC được tổ chức từ ngày 20-21/5/2017 ở Việt Nam.