Công bố Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030
Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 60/QĐ-TTg ngày 9 tháng 1 năm 2012.
Theo Quy hoạch, phát triển ngành than trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, phục vụ nhu cầu trong nước là chính; đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng tối đa nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch và các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Phát triển ngành than bền vững, hiệu quả theo hướng đồng bộ, phù hợp với sự phát triển chung của các ngành kinh tế khác. Phát huy tối đa nội lực (vốn, khả năng thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước v v...) kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ tiến bộ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than; đầu tư thoả đáng cho công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, quản trị tài nguyên, quản trị rủi ro trong khai thác than.
Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, thăm dò, đánh giá tài nguyên và trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành; kết hợp đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò, khai thác để bổ sung nguồn than lâu dài cho nhu cầu trong nước.
Đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong ngành than trên cơ sở doanh nghiệp do Nhà nước chi phối đóng vai trò chủ đạo; thực hiện kinh doanh than theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Phát triển ngành than gắn liền với bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh, quốc phòng trên địa bàn, đặc biệt là vùng than Quảng Ninh; đảm bảo an toàn trong sản xuất.
Dựa trên dự báo nhu cầu than sử dụng trong nước theo các giai đoạn, Quy hoạch đã đặt ra mục tiêu sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành năm 2012 đạt 45-47 triệu tấn; năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn.
Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành than, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành than đến năm 2020 khoảng 317.736 tỷ đồng (bình quân 35.304 tỷ đồng/năm), trong đó, giai đoạn đến năm 2015, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 208.580 tỷ đồng (bình quân 41.716 tỷ đồng/năm) và giai đoạn 2016-2020 là 109.156 tỷ đồng (bình quân 21.831 tỷ đồng/năm).
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết việc khai thác sẽ được triển khai với bước đi thận trọng từ nhỏ đến lớn để đảm bảo lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài. Trên cơ sở các dự án thử nghiệm sẽ xem xét mở rộng quy mô với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và đảm bảo năng lượng quốc gia.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng tại cuộc họp báo |
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng Cục Năng lượng, Chính phủ sẽ có cơ chế phù hợp và khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm các mỏ than mới, tìm những nguồn than nhập khẩu ở các thị trường mới và các đối tác mới, đề đem nguồn than về trong nước. Ông Thắng cho biết, trong quá trình xây dựng các đề án khai thác than ở Đồng bằng sông Hồng đã có đề xuất giải pháp về công nghệ, đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên nhất, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sản xuất lương thực ở Đồng bằng sông Hồng. Vì là quy hoạch ngành nên bước đầu mới chỉ xác định định hướng mang tính tổng thể, các giải pháp cụ thể sẽ được xây dựng và phê duyệt khi xây dựng các dự án đầu tư cụ thể.