Chuyện cắt lũ ở Thủy điện Buôn Kuốp
Đó là một trong những thông tin ông Nguyễn Tấn Triết – Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết khi trao đổi với Phóng viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đợt mưa lũ từ ngày 3 - 10 tháng 11 vừa qua trên sông Srêpốk được coi là lớn nhất từ trước đến nay, buộc các nhà máy thủy điện của Công ty phải xả lũ điều tiết. Xin ông cho biết, việc xả lũ này được thực hiện như thế nào?
Có thể khẳng định, việc thực hiện điều tiết xả lũ của Công ty được thực hiện theo đúng Quy trình vận hành liên hồ (QTVH) do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bên cạnh đó, để giảm thiệt hại cho phía hạ du, hàng năm vào tháng 5, tháng 6, Công ty đã gửi thông báo đến các ban, ngành địa phương thuộc các tỉnh, Đắk Lắk và Đắk Nông, khuyến cáo người dân hạn chế gieo trồng tại vùng trũng thấp dọc hạ du các hồ chứa, tránh thiệt hại về hoa màu, gia súc khi các hồ tiến hành điều tiết, xả lũ.
Đặc biệt, Công ty đã nghiên cứu, thống kê tình hình mưa lũ từ các trạm đo mưa ở lưu vực xung quanh, mực nước ở các nhánh sông, lưu lượng xả qua các bậc thang… từ đó có thể dự báo lưu lượng nước về, thời gian hình thành đỉnh lũ. Trên cơ sở đó, quyết định phương án điều tiết, xả lũ phù hợp.
Trước khi xả lũ, Công ty đã thông báo (bằng điện thoại và ghi chép vào nhật ký vận hành) đến các bên liên quan, trong đó có Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, huyện, xã theo đúng trình tự thời gian quy định.
Cùng với đó, Công ty còn thông báo trên “Hệ thống cảnh báo xa” được lắp dọc theo hạ du các hồ và sử dụng còi hú cảnh báo các địa phương sớm có biện pháp phòng tránh hữu hiệu.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân phía hạ du, Công ty không xả lũ vào ban đêm, lưu lượng xả về hạ du được điều chỉnh tăng dần đều, tránh gây đột biến lớn về dòng chảy phía hạ du.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, Công ty đã thực hiện cắt lũ như thế nào và tổng lượng nước phải xả là bao nhiêu?
Công ty quản lý vận hành 3 nhà máy, tương ứng với đó là 3 hồ chứa. Hồ Buôn Tua Srah là hồ có dung tích lớn nhất trên bậc thang Srêpôk và là hồ duy nhất trên bậc thang có chế độ điều tiết năm.
Hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 có dung tích nhỏ, có chế độ điều tiết ngày. Như vậy, trên bậc thang Srêpôk, hồ Buôn Tua Srah đóng góp vai trò quan trọng trong việc cắt, giảm đỉnh lũ. Các hồ còn lại, do dung tích nhỏ nên lưu lượng xả xấp xỉ lưu lượng về hồ. Trong đợt mưa lũ từ 3-10/11/2016, hồ Buôn Tua Srah có tổng khối lượng nước vào hồ hơn 132 triệu m3, tổng khối lượng xả 98,8 triệu m3. Lưu lượng đỉnh lũ 984 m3/s, lưu lượng xả lớn nhất 529 m3/s.
Hồ Buôn Kuốp, tổng khối lượng nước vào hồ 439 triệu m3, tổng khối lượng xả 438 triệu m3. Lưu lượng đỉnh lũ 1.565 m3/s, lưu lượng xả lớn nhất 1.511 m3/s.
Hồ Srêpôk 3, tổng khối lượng nước vào hồ hơn 455 triệu m3, tổng khối lượng xả 442 triệu m3. Lưu lượng đỉnh lũ 1.689 m3/s, lưu lượng xả lớn nhất 1.659 m3/s.
Qua các thông số nêu trên, có thể nhận thấy hồ Buôn Tua Srah đã cắt, giảm đỉnh lũ rất hiệu quả, lưu lượng xả lớn nhất qua hạ lưu xấp xỉ 1/2 so với lưu lượng đỉnh lũ.
Xin ông cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua, Công ty đã phối hợp với các địa phương như thế nào trong việc điều hành xả lũ?
Ngày 23/7/ 2014, sau khi QTVH trên lưu vực sông Srêpôk được ban hành, trong đó giao quyền chỉ huy xả lũ các hồ cho Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, Công ty Thủy điện Buôn Kuôp đã tham mưu cho địa phương thành lập các tổ giúp việc cho Trưởng ban trong điều hành xả lũ.
Để đảm bảo phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng trong xả lũ, Công ty đã cử Phó Giám đốc tham gia vào Ban chỉ huy PCTT&TKCN 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông; đồng thời các Ban chỉ huy của 2 tỉnh cũng đã cử thành viên tham gia vào Ban chỉ huy PCTT&TKCN Công ty.
Cơn lũ số 01 đầu tháng 11/2016 vừa qua là cơn lũ lớn nhất từ trước đến nay. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các bên, công tác PCTT&TKCN diễn ra rất thuận lợi, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân dọc hạ lưu các hồ. Không để xảy ra chết người do xả lũ. Đây là một thành công rất lớn, nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan.
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã vận hành các Nhà máy đảm bảo an toàn trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua
Được biết Công ty đã xây dựng Hệ thống thông báo từ xa qua điện thoại di động trước khi xả lũ. Ông có thể cho biết tính ưu việt và hiệu quả của hệ thống trong đợt mưa lũ vừa qua?
Nhận thức sâu sắc tầm quan trong của việc phòng chống thiên tai, Công ty đã thiết kế và lắp đặt thành công hệ thống cảnh báo lũ từ xa qua mạng điện thoại di động và đã được EVN công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn.
Hiện nay, Công ty có 11 trạm cảnh báo này ( BTS 09 trạm, BK 02 trạm). Không riêng mùa mưa lũ vừa qua, ngay từ năm 2009, các hệ thống cảnh báo này phát huy hiệu quả vô cùng lớn: Trong mùa khô, Công ty phát thông báo thời gian chạy máy phát điện, cảnh báo cho nhân dân biết để có kế hoạch lấy nước canh tác nông nghiệp. Trong mùa lũ, khi tiến hành điều tiết, xả lũ hoặc khi thay đổi lưu lượng xả, chúng tôi đều thông báo cho nhân dân hạ lưu được biết, đồng thời cũng thông báo cấp độ lũ để người dân chủ động phòng tránh.
Để Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh có thể theo dõi, giám sát xuyên suốt quá trình điều tiết xả lũ trên các hồ và để minh bạch hơn trong công tác điều tiết xả lũ, Công ty đã trang bị các màn hình lớn đặt tại Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, trang bị máy tính bảng cho một số lãnh đạo 2 tỉnh, có thể theo dõi trực tiếp quá trình điều tiết, xả lũ trên các hồ. Màn hình luôn hiển thị các thông số cơ bản về hồ như mực nước hồ, lưu lượng về, tổng lưu lượng xả, các biểu đồ liên quan (trong điều kiện vận hành bình thường thông số được cập nhật 01 giờ/lần, khi đang xả lũ thông số được cập nhật 15 phút/lần).
Đối với cơ quan báo chí - truyền thông, Công ty đã cung cấp nhanh mọi tin tức liên quan đến quá trình điều tiết, xả lũ; cấp các báo cáo, thông báo (cơn lũ, đợt lũ…), diễn biến quá trình xả lũ các hồ để các cơ quan báo chí có nhận định chính xác, khách quan và kịp thời quá trình điều tiết xả lũ của công ty. Nhờ những giải pháp đồng bộ như trên đã tạo được sự đồng thuận của cả chính quyền cũng như người dân.