Chính phủ ban hành Nghị định mới về dự trữ ngoại hối Nhà nước
Nghị định số 50/2014/NĐ-CP chỉ rõ dự trữ ngoại hối Nhà nước là tài sản bằng ngoại hối được thể hiện trong bản cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và bao gồm: Dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức (phần tài sản bằng ngoại hối thuộc sở hữu Nhà nước được Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước quản lý); tiền gửi ngoại tệ và vàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước gửi tại Ngân hàng Nhà nước và các nguồn ngoại hối khác.
Trong đó, quản lý dự trữ ngoại hối chính phải đảm bảo nguyên tắc: Bảo toàn (bảo đảm an toàn dự trữ ngoại hối nhà nước thông qua việc tuân thủ cơ cấu, tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước được phê duyệt); thanh khoản (sẵn sàng đáp ứng ngoại tệ và vàng phục vụ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách tỷ giá và vàng, can thiệp thị trường ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán quốc tế…) và sinh lời (có chênh lệch dương giữa tổng thu nhập trừ chi phí đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức trong năm tài khóa).
Việc quản lý tiền gửi ngoại tệ và vàng của Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng và các nguồn ngoại hối khác phải đảm bảo các nguyên tắc: Đảm bảo an toàn thông qua việc tuân thủ tiêu chuẩn, hạn mức đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước; đáp ứng kịp thời các nhu cầu ngoại hối của Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng khi cần thiết.
Bên cạnh đó, Nghị định số 50/2014/NĐ-CP cũng quy định ngoại tệ được phép đầu tư dự trữ ngoại hối nhà nước là ngoại tệ tự do chuyển đổi và ngoại tệ khác theo cam kết tại các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương và đa phương do Ngân hàng Nhà nước ký kết với các ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính quốc tế.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 07 năm 2014 và thay thế Nghị định số 86/1999/NĐ-CP ngày 30 tháng 08 năm 1999. Chi tiết, xem tại đây.