Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc hợp tác kinh tế, thương mại song phương trong bối cảnh hai nước đang đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế, tham gia sâu rộng vào các khung khổ hợp tác khu vực và thế giới. Bộ trưởng cũng bày tỏ Việt Nam mong muốn tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ giữa hai Bên đồng thời tăng cường kết nối hai Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.
Trên cơ sở mối quan hệ chính trị hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ đề nghị hai Bên tích cực triển khai các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đặc biệt hỗ trợ Mông Cổ xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh sang Việt Nam, mặc dù còn khó khăn về khoảng cách địa lý xa xôi, giao thông không thuận lợi.
Hai Bộ trưởng nhất trí cao về việc tăng cường hợp tác trong các khuôn khổ song phương và đa phương nhằm gia tăng dòng chảy đầu tư và thương mại song phương thông qua việc: (i) Rà soát và hoàn thiện các khung khổ pháp lý trong từng lĩnh vực hợp tác cụ thể, trong đó nhấn mạnh việc xem xét các lĩnh vực hai Bên có thế mạnh; (ii) Áp dụng các biện pháp thích hợp tháo gỡ hàng rào thuế quan và phi thuế quan tạo thuận lợi thương mại để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu; (iii) Cung cấp thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, đảm bảo phương thức thanh toán; (iv) Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại mỗi nước, v.v…
Hai Bên cam kết tiếp tục xem xét việc thành lập Tiểu ban Thương mại và Công nghiệp trong khuôn khổ Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật như là một trong những phương cách hữu hiệu hỗ trợ hoạt động thương mại và đầu tư trong lĩnh vực Công Thương hai nước. Trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng, hai Bên nhất trí về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, dầu mỏ. Tại buổi gặp, phía Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về đàm phán và hội nhập quốc tế của Việt Nam và mong muốn hợp tác chặt chẽ với Mông Cổ trên các diễn đàn kinh tế đa phương và khu vực để đảm bảo các lợi ích của các Bên phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Mông Cổ liên tục tăng mạnh. Mông Cổ là đối tác thương mại tiềm năng của Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan Việt Nam, năm 2016 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mông Cổ, đạt 58,3 triệu USD, tăng 67% so với năm 2015, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 19 triệu USD, tăng 45% và nhập khẩu của Việt Nam đạt 39,3 triệu USD, tăng 80% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mông Cổ bao gồm: điện thoại, rau quả, hàng tiêu dùng (gồm bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, đậu phộng, kem đánh răng, xà phòng), sản phẩm nông sản (gạo, hoa quả đóng hộp (dưa chuột)), dược phẩm, v.v… Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Mông Cổ bao gồm: sản phẩm kim loại thường khác (quặng vonfram và tinh quặng vonfram, đồng tinh luyện, nguyên phụ liệu dệt may và da giầy, v.v