An toàn lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở trong khu vực doanh nghiệp này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa quan tâm nhiều đến an toàn lao động
Ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ, công nghệ thì số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải kho bãi, khai thác chế biến, chế tạo, sửa chữa… chiếm tỷ lệ khá cao. Đây cũng là các ngành nghề có nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động cao, có khả năng phát sinh các yếu tố gây tai nạn trực tiếp hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng xã hội. Bởi, theo một thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có tới 55% số hộ kinh doanh cá thể vẫn phải sử dụng nhà ở của mình làm địa điểm kinh doanh. Chỉ có 2% số hộ kinh doanh cá thể có địa điểm kinh doanh tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Đối với đối tượng doanh nghiệp, tỷ lệ sử dụng nhà làm địa điểm kinh doanh cũng lên tới 33%.
Quan tâm đến người lao động là động lực để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, với quy mô sản xuất nhỏ và vừa, đầu tư về công nghệ, thiết bị có nhiều hạn chế và khó khăn hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác nên việc đầu tư cho công tác bảo hộ lao động của các đơn vị này cũng không được chú trọng. Thậm chí, với thói quen của không ít doanh nghiệp nhỏ là chỉ khi xảy ra các rủi ro thì mới tìm cách xử lý, giải quyết mà không có thói quen chủ động phòng ngừa ngay từ đầu. Cùng với đó, người lao động làm việc trong khu vực này cũng chưa quan tâm hoặc thiếu hiểu biết về an toàn vệ sinh lao động dẫn đến việc không lường trước được các mối nguy hại tiềm ẩn như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường... có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà hậu quả là rất lớn, gây thiệt hại không chỉ về con người, kinh tế mà còn vi phạm pháp luật…
Xây dựng hệ thống quản lý an toàn lao động phù hợp
Giúp đỡ các doanh nghiệp nắm bắt được kịp thời các quy định của pháp luật cũng như đánh giá được các rủi ro và phòng ngừa nguy cơ mất an toàn lao động là việc làm cấp thiết nhằm bảo vệ tài sản của chính doanh nghiệp chứ không riêng đối với bản thân người lao động. Bởi vì, công tác an toàn vệ sinh lao động có liên quan mật thiết tới công tác kỹ thuật an toàn trong sử dụng các trang thiết bị của đơn vị. Bởi những tiến bộ về công nghệ, những cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa... đã dẫn đến những thay đổi nhanh về điều kiện lao động, quy trình sản xuất và tổ chức lao động.
Theo các chuyên gia an toàn lao động, để kịp thời giải quyết được những thách thức về an toàn vệ sinh lao động và nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động, nhất thiết phải xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật. Với đặc điểm khả thi và linh hoạt, hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho người sử dụng lao động và người lao động kịp thời đối phó với những thay đổi về an toàn vệ sinh lao động trong thực tế sản xuất, hay nói cách khác là hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động chính là công cụ, biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan quản lý các cấp không ngừng cải thiện điều kiện lao động và hoàn thiện công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động.
Ngoài ra cần hỗ trợ duy trì sự hoạt động của hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp đã được tư vấn xây dựng, thường xuyên cải tiến hệ thống cho phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từng bước đưa công tác an toàn vệ sinh lao động nói chung, hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động nói riêng thành văn hóa, chuyên nghiệp và hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp sát với thực tiễn hơn nữa; thiết lập mạng lưới hệ thống chuyên gia tư vấn an toàn vệ sinh lao động rộng khắp từ trung ương đến địa phương, có kiến thức chuyên môn, chuyên nghiệp, trình độ chuyên sâu để tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp. Có như vậy, người lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thực sự yên tâm lao động, sản xuất để mang lại lợi nhuận và đảm bảo an toàn cho bản thân trong khi làm việc.