Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 3 năm 2018
Mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cung cấp một số thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo đó, về tình hình kinh tế-xã hội, tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật:
Thứ nhất, tăng trưởng GDP Quý I/2018 là 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 5,15% của cùng kỳ năm 2017 và mức tăng 5,48% của cùng kỳ năm 2016.
Bốn động lực chính của tăng trưởng là 1) ngành công nghiệp và xây dựng, tăng 9,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 4,48%, năm 2016 tăng 7,16%), 2) ngành ngành chế biến chế tạo, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 13,9% (Quý I: năm 2015 tăng 9,5%; năm 2016 tăng 9,1% và năm 2017 tăng 7,8%); 3) ngành nông lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,05% (cùng kỳ năm 2017 tăng 2,08%, năm 2016 -1,31%); 4) ngành dịch vụ tăng 6,70% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,36%, năm 2016 tăng 5,98%).
Thứ hai, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2018 giảm 0,27% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 0,21%). CPI bình quân quý I năm 2018 chỉ tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; tăng 0,97% so với tháng 12/2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 nước của Đông Nam Á (Myanmar đạt 53,7 điểm) có điểm số cao nhất, trên 50 điểm.
Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh ước đạt 54,31 tỷ USD, tăng 22% (cùng kỳ tăng 12,8%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Thứ năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng tới 16,9%.
Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh đạt trên 4,2 triệu lượt, tăng 30,9% (cùng kỳ đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 21,1%).
Thứ bảy, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 mà VCCI vừa công bố hôm 22/3, cho thấy những thông tin khởi sắc, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam đã có những cải thiện rất ấn tượng theo thời gian, đặc biệt là trong năm vừa qua. Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thứ tám, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua, cho thấy niềm tin thị trường rất tốt.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể là tuy số doanh nghiệp thành lập mới có tăng (có gần 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,2% về số doanh nghiệp và tăng 2,7% về số vốn đăng ký), nhưng mức tăng thấp hơn cùng kỳ (cùng kỳ năm trước có gần 26.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước đó; số vốn đăng ký tăng 45,8%). Có trên 12.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,9%, số doanh nghiệp giải thể trên 3.300 (trên 91% là doanh nghiệp nhỏ), tăng 1,6% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước tăng thấp hơn cùng kỳ, chỉ tăng 4,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 5,3%, năm 2016 tăng 5,9%) và thấp hơn các khu vực khác (khu vực ngoài nhà nước tăng 16,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,1%). Đáng lưu ý, giải ngân từ vốn ngân sách Trung ương quản lý vẫn tăng thấp (khoảng 4,2%), trong khi đó vốn ngân sách địa phương tăng 10,5%.
Mặc dù CPI tháng 3 giảm và quý I tăng thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, không thể chủ quan về lạm phát.
Công nghiệp chế biến chế tạo trong thời gian tới khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ do trong năm 2017 và quý I vừa qua đã tăng rất cao.
Thương mại có thể gặp khó khăn do áp lực bảo hộ thương mại và các biện pháp phòng vệ từ các nước.
Sản xuất nông nghiệp đã dần ổn định và có bước tăng trưởng, nhưng biến đổi khí hậu, thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.
Tình hình vi phạm môi trường, tai nạn giao thông, cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy nổ, làm 33 người chết, 66 người bị thương, có những vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tại chung cư Carina (TPHCM).
Cũng trong tháng 3 vừa qua, chúng ta đã ký kết Hiệp định CPTPP, tổ chức nhiều sự kiện lớn như Hội nghị cấp quốc gia về phòng chống thiên tai, tổ chức thành công các sự kiện đối ngoại lớn như Hội nghị GMS 6 và CLV 10 hết sức thành công với nhiều sáng kiến của Việt Nam được đưa ra, nhất là việc tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. Tất cả các nước đều ủng hộ những vấn đề Việt Nam đưa ra để thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 02 kịch bản: (i) Kịch bản 1: tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%. Đây là mục tiêu tương đối khả thi với điều kiện các giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP và bối cảnh có nhiều thuận lợi, nền kinh tế không bị tác động lớn do những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới. (ii) Kịch bản 2: tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,8%. Đây là kịch bản phấn đấu để các ngành, các cấp nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi cả ở trong nước và quốc tế, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò động lực chính và đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Chính phủ thống nhất mục tiêu phấn đấu đạt tối thiểu là 6,7% và cố gắng đạt cao hơn để tạo đà cho năm 2019 và các năm tiếp theo. Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không hài lòng, tự mãn với những kết quả đã đạt được; cần phải kiên trì, khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, đề xuất giải pháp phù hợp với những kịch bản, diễn biến mới...
Chính phủ, từng thành viên Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, 19-2017/NQ-CP, 35/NQ-CP, Chỉ thị 240 của Thủ tướng và Chương trình hành động của Bộ ngành, địa phương. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Chính phủ sẽ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa ngay nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Tại phiên họp, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính trên các lĩnh vực: Kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; giải ngân vốn đầu tư công; tài chính - ngân sách; nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ và du lịch; giao thông vận tải; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; văn hóa, xã hội, môi trường; quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thông tin truyền thông.
Cũng tại phiên họp, Tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra tháng 3 năm 2018. Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đến 31/3/2018, có tổng số 26.583 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 12.879 nhiệm vụ đã hoàn thành đúng hạn, 2.241 nhiệm vụ hoàn thành nhưng quá hạn; nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn còn 10.955, quá hạn: 508 - chiếm 4,7% (cao hơn so với tháng 2/2018).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3 năm 2018, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ giao và việc rà soát, xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm hoặc bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Qua kiểm tra cho thấy các quy định về điều kiện kinh doanh của hai Bộ Tư pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo còn một số bất cập. Như Bộ Tư pháp còn nhiều ĐKKD quy định chung chung, chồng chéo, khó hiểu, không lượng hóa được, cần đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ... Các Bộ này đã tiếp thu ý kiến của Tổ công tác. Bộ Tư pháp đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 43/98 điều kiện kinh doanh, đạt 44% trong tổng số 98 điều kiện kinh doanh hiện nay của Bộ. Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát và dự kiến đơn giản, cắt giảm và bãi bỏ 91/212 điều kiện, đạt 42,9%.
Về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu mở rộng cả về phía Nam và phía Bắc, nếu cần lấy đất sân golf thì lấy đất sân golf, tinh thần là tôn trọng ý kiến của tư vấn độc lập, của Bộ GTVT và của TPHCM. VPCP sẽ sớm có văn bản thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã báo cáo Chính phủ về vấn đề xem xét đề nghị công nhận chức danh GS, PGS. Theo đó, có 94 trường hợp đã được các cơ quan chức năng của Bộ rà soát các tiêu chí và kết luận 41 ứng viên không đủ điều kiện để xem xét.
Một số vấn đề báo chí quan tâm tại Họp báo
Trong khuôn khổ cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí nêu. Một số vấn đề liên quan cũng được Lãnh đạo một số Bộ, ngành trả lời trực tiếp tại họp báo.
1. Trước hết, về vụ việc của Mobifone và AVG, tháng trước, Mobifone và AVG đã có những thống nhất chuyển nhượng. Xin hỏi lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện tại việc thanh toán huỷ hợp đồng này như thế nào? Thời hạn chót để AVG thanh toán hết tiền cho Mobifone trong thương vụ này ra sao?
Thứ hai, mới đây Bộ Chính trị quyết định tái cơ cấu lại Bộ Công an. Được biết là Bộ Công an sẽ hoàn toàn cắt bỏ một số tổng cục. Xin được hỏi phương án sắp xếp lại nhân sự của các đơn vị này như thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời: Chính phủ sẽ cho ý kiến và trình Quốc hội về Luật Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung). Sau này, những quy định, nghị định dưới Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thì Chính phủ sẽ ban hành. Nội dung cuộc họp Chính phủ hôm nay không đưa nội dung tổ chức bộ máy của Công an nhân dân theo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) vào cuộc họp.
Tuy nhiên, vừa qua Đảng uỷ Công an Trung ương cũng rất trách nhiệm và đổi mới, có phương án cũng đề cập cải cách tổ chức bộ máy, đặt vấn đề xem xét có thể giảm các tổng cục, chuyển Sở Công an Phòng cháy chữa cháy về Công an tỉnh, thành phố… Sau này, Chính phủ có ý kiến cụ thể về Luật Công an nhân dân (sửa đổi) thì chúng tôi sẽ có câu trả lời.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trả lời: Theo báo cáo của Mobifone, đến nay AVG đã chuyển trả lại cho Mobifone 2.500 tỷ đồng. Theo như cam kết của AVG, chậm nhất trong vòng 90 ngày từ khi hai bên ký bản thoả thuận này, có nghĩa là chậm nhất như thế hoặc có thể sớm hơn. Bộ TT&TT cũng đang có chỉ đạo Mobifone giám sát việc này.
2. Trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng đã đề cập thế nào về vấn đề cháy nổ trong thời gian qua? Tôi được biết Thủ tướng Chính phủ có yêu cầu Bộ Công an giải trình làm rõ. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công an đã nói rõ về vấn đề này như thế nào?
Thời gian qua dư luận và tất cả chúng tôi đánh giá cao hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ rất hiệu quả, thiết thực. Nên chăng Tổ công tác trong thời gian tới thực hiện chuyến công tác kiểm tra khu chung cư về phòng chống cháy nổ được không? Nếu được tôi đề nghị Tổ công tác kiểm tra khu mà tôi cho rằng điển hình của các điển hình về vấn đề này là tổ hợp chung cư HH ở Linh Đàm.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời: Đúng là hiện nay, dư luận xã hội và khách hàng mua chung cư rất quan tâm. Giá chung cư bây giờ có thể "down" xuống đấy, vì đúng là vấn đề liên quan tới sự quan tâm rất chính đáng thôi. Như đã nói ban đầu, trên 1.000 vụ cháy nổ xảy ra đã làm 33 người chết, 66 người bị thương, tài sản của người dân, doanh nghiệp thiệt hại rất lớn. Đây là vấn đề bức xúc trong xã hội và Thủ tướng rất quan tâm. Thủ tướng giao cho các bộ, chính quyền tỉnh, thành phố với chức năng của mình yêu cầu rà soát toàn bộ vấn đề này. Tỉ lệ các chung cư bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy rất thấp, từ đó yêu cầu kiểm tra rà soát toàn bộ lại công tác bảo đảm phòng cháy chữa cháy.
Đề cập của nhà báo đến vấn đề Tổ công tác theo tôi đây là ý kiến rất tốt. Nhưng trong thời điểm hiện nay Tổ công tác tập trung kiểm tra các nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương, tổng công ty, tập đoàn Nhà nước liên quan đến vấn đề đưa ra các giải pháp tổ chức thực hiện tăng trưởng, thực hiện nhiệm vụ xây dựng thể chế, trong đó có văn bản nợ đọng, trách nhiệm của bộ, ngành chủ trì, đề xuất Chính phủ xây dựng luật, pháp lệnh, các văn bản, nghị định liên quan tới hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, các thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng; đồng thời kiểm tra việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện Nghị quyết 01 cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính... Vấn đề liên quan tới chung cư bảo đảm an toàn hay không, có lẽ tôi nghĩ rằng đây là vấn đề liên quan tới bộ, ngành và chủ yếu là các nhà đầu tư, thuộc thẩm quyền của địa phương là nhiều. Chúng tôi không nói là không kiểm tra, nhưng sẽ tính toán thời điểm thích hợp. Tinh thần hôm nay Thủ tướng giao các bộ, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời: Gần đây xảy ra khá nhiều vụ việc liên quan tới mất an toàn cháy nổ chung cư gây ra thiệt hại về người rất lớn là việc đau xót. Nhìn nhận về vấn đề này như thế nào? Nhìn tổng thế, chúng ta phải phân thành 2 giai đoạn: Trước 2001 khi Luật Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) chưa được ban hành, khi đó hiểu là chung cư cũ được xây dựng theo các tiêu chuẩn cũ. Sau 2001, Luật PCCC ra đời quy định rõ tất cả chung cư phải được thẩm duyệt nghiệm thu PCCC, về pháp lý phải bảo đảm. Số lượng chung cư cao tầng sau 2001 xây dựng ước chừng xấp xỉ 3.000. Số vụ việc xảy ra gần đây chiếm một tỉ lệ nhất định trong số 3.000 tòa nhà này. Nhưng điều đó không mặc định là 3.000 tòa nhà đều không bảo đảm an toàn cháy nổ. Như vậy, số cụ thể bao nhiêu tòa nhà trong số 3.000 này là không bảo đảm? Hiện nay, tôi được biết các địa phương đang rà soát tổng thể, trong đó có khu nhà ở Linh Đàm như phóng viên nêu. Trước hết là kiểm tra đã được nghiệm thu thẩm duyệt hay chưa, nếu có thì công tác vận hành thế nào? Nếu không được thẩm duyệt, nghiệm thu, hay có được thẩm duyệt PCCC nhưng còn thiếu một số điều kiện thì sẽ xử lý tình huống. Cách thức xử lý sẽ tiến hành như vậy. Còn về nguyên nhân thì phân biệt là có được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn hay không? Thứ hai là đúng tiêu chuẩn rồi thì trong quá trình vận hành có bảo đảm không? Trên cơ sở này mới phân tách ra nguyên nhân để xử lý tương ứng. Đây là vấn đề lớn, Chính phủ đã chỉ đạo. Đây là trách nhiệm của các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các địa phương kiểm tra rà soát để bảo đảm an toàn cho các hộ dân.
3. Xin được hỏi lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông là về việc xử lý thương vụ Mobifone mua AVG vừa qua Bộ đã có công văn đốc thúc Mobifone sớm chấm dứt hợp đồng với AVG, thu hồi lại tiền cho Nhà nước nhưng có nhiều ý kiến rất băn khoăn về tính pháp lý của việc này, đề nghị lãnh đạo Bộ giải thích?
Tôi cũng xin được hỏi lãnh đạo Thanh tra Chính phủ về thời gian thanh tra vụ việc này kéo dài rất lâu. Theo quyết định thanh tra có từ tháng 8/2016 và nêu rõ thời gian thanh tra là 50 ngày nhưng phải mất tới 17 tháng Thanh tra Chính phủ mới công bố được kết luận thanh tra. Như vậy có vi phạm pháp luật về thanh tra không và nếu có vi phạm thì đề nghị cho biết đã xử lý người vi phạm chưa?
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trả lời: Về việc hủy bỏ thương vụ mua bán cổ phần AVG của Mobifone, tôi nghĩ rằng, đây là thương vụ liên quan đến Mobifone, một doanh nghiệp Nhà nước, có vốn Nhà nước và Bộ TT&TT là chủ sở hữu nên khi hủy hợp đồng với AVG, đòi lại tiền, đương nhiên Bộ TT&TT có văn bản chỉ đạo. Theo tôi như vậy là hợp lý. Còn về cơ sở pháp lý như thế nào, có lẽ nhờ anh Lam (Thanh tra Chính phủ) nói thêm.
Liên quan đến việc thông tin chi tiết và thông báo kết luận thanh tra đã ban hành và Thủ tướng cũng đã đồng ý, ngay sau khi có thông báo kết luận, Bộ TT&TT đã có cuộc họp mở rộng rất nghiêm túc với các tập thể, cá nhân liên quan để triển khai xây dựng kế hoạch, thông báo kết luận, tinh thần là tuân thủ các quy định của pháp luật, thượng tôn pháp luật.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam trả lời: Trên cơ sở kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về dự án Tổng công ty Mobifone mua 95% cổ phần Công ty AVG, chúng tôi đang tích cực cùng các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Thứ hai là việc ban hành kết luận thanh tra chưa nhanh. Nhưng cũng phải báo cáo với phóng viên, trong vụ việc này, chúng tôi xác định có các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo quy định của pháp luật tranh tra, không chỉ có cuộc thanh tra thương vụ AVG và Mobifone mà tất cả các vụ thanh tra khác khi kết thúc thanh tra, chúng tôi đều có chỉ đạo tổ chức đánh giá, tổng kết các hoạt động qua cuộc thanh tra đó và trên cơ sở đó đó rút ra bài học kinh nghiệm. Những gì thuộc về trách nhiệm có liên quan đến đơn vị chủ quan, chúng tôi sẽ xử lý bảo đảm nghiêm, có gắn với thực tiễn.
4. Người tiêu dùng khiếu nại mất tiền trong một số tài khoản tiết kiệm thời gian gần đây, cho thấy lỗ hổng trong bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Khi vay tiền ngân hàng luôn có hợp đồng bảo vệ chặt chẽ, nhưng ngược lại khi gửi tiền, người gửi nhận được sổ tiết kiệm đơn giản, không có điều khoản nào bảo vệ quyền lợi, khi tranh chấp, người gửi ở thế yếu, không có thông tin gì, thông tin toàn ngân hàng nắm giữ. Sắp tới cơ quan quản lý có giải pháp gì tăng cường quyền lợi người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng?
Sau khi tăng GDP tăng trưởng tích cực trong quý I, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa qua đã đưa ra 2 kịch bản, trong đó, tốc độ tăng GDP giảm dần về cuối năm. Vậy cơ sở nào dự báo như vậy, khi mà nhiều năm, GDP luôn có thông lệ quý I thấp nhất sau đó tăng dần quý IV? Chỉ có 2008 khủng hoảng tài chính thì mới có kịch bản GDP giảm dần như vậy, liệu có đột biến gì không?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời: Hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm hay cho vay tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng là hoạt động ngân hàng tuân theo văn bản pháp luật hướng dẫn đầy đủ. NHNN có văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các TCTD nhận tiền gửi là công khai minh bạch quy trình gửi tiết kiệm, đến hạn trả đủ lãi gốc cho người gửi, đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm để bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra. Hằng năm, NHNN luôn chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ bảm đảm an toàn các hoạt động, trong đó có quy trình nhận tiền gửi.
Với một số vụ mất tiền, NHNN đã có chỉ đạo các TCTD tích cực phối hợp với khách hàng, các cơ quan chức năng khác để đưa ra phương án xử lý bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp người gửi tiền.
NHNN cũng khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các TCTD, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho TCTD và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh trả lời: Năm nay quý I tăng cao do đà tăng mạnh quý III, IV năm ngoái. Để duy trì tốc độ cao liên tục là không đơn giản. Cần làm rõ, nếu so sánh quý I/2017, khi tăng trưởng thấp chỉ khoảng trên 5,15%, nên tốc độ tăng trưởng quý I năm nay sẽ có cơ hội cao hơn. Còn có tốc độ cao rồi, nếu so với nền cao như các quý III, IV năm ngoái thì quý III, quý IV/2018 sẽ khó tăng cao như quý I vừa rồi.
Nguyên nhân nữa là trong năm 2017, ta có một số yếu tố tăng đột biến, có đóng góp tích cực vào mức tăng chung ở các quý sau như Samsung, Formosa, khi các nhân tố hoạt động có đóng góp tốt cho tăng trưởng.
Nhưng năm 2018 này, quý I, chúng ta đã huy động cơ bản tốt cả 3 lĩnh vực phục vụ tăng trưởng, các nhân tố cho sự tăng trưởng đột biến cuối năm nay chưa thể hiện rõ, nên tính toán phải dựa trên số liệu thực tế.
Cuối cùng, dù bối cảnh quốc tế và trong nước nhiều thuận lợi nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chu kỳ biến động tăng trưởng kinh tế quốc tế sau 10 năm cũng có thể có suy thoái. Hơn nữa, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lớn lên điều hành tỉ giá, lãi suất trong nước. Với rủi ro tiềm ẩn, Chính phủ đã thông qua kịch bản theo hướng duy trì tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, thận trọng trong điều hành, sao cho duy trì tăng trưởng bảo đảm bền vững, không chỉ trong năm nay mà cả các năm tiếp theo.
5. Phiên họp sáng nay Chính phủ có thảo luận về sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Hiện nay, một số doanh nghiệp (DN) bất động sản triển khai Dự án Condotel ven biển nhưng quy định của luật hiện chưa quy định nên vận dụng Luật Dân sự để phát triển dự án này thì tới đây việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sẽ đưa nội dung này vào sửa đổi như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời: Phóng viên có hỏi về việc xuất hiện loại hình bất động sản mới "condotel" có dẫn đến việc có sửa Luật Kinh doanh bất động sản không? Trước hết, cần xác định loại hình này là loại hình gì, loại hình này ra đời sẽ gây ra gì thì mới xem đến việc sửa luật.
Đây là loại hình căn hộ du lịch lưu trú, nên phải hiểu đây là một loạt căn hộ, villa như khách sạn, khu nghỉ dưỡng để lưu trú. Tuy nhiên, điểm khác biệt là trước đây khách sạn, villa thuộc 1 chủ sở hữu nhưng giờ chuyển hoá thành nhiều chủ sở hữu thứ cấp, dẫn đến việc có cấp quyền cho các chủ sở hữu thứ cấp không? Lưu trú ngắn hạn thì không sao còn lưu trú lâu dài thì sao, hạ tầng có đáp ứng được hay không? Đây là vấn đề cần xem xét.
Việc này không chỉ giải quyết trong Luật Kinh doanh bất động sản mà còn trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Sắp tới tất cả sẽ được xem xét. Sẽ có luật để sửa các luật, trong đó có Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... Trong đó, cần xem xét mấy yếu tố: Thứ nhất là, xác định quyền sở hữu thứ cấp cho các chủ hộ. Thứ hai, yêu cầu đây là một sản phẩm mang tính lưu trú ngắn hạn thì phải điều chỉnh như thế nào, sẽ được làm rõ trong Luật.
6. Sau vụ việc VN Pharma từ tháng 9/2017, Thủ tướng đã có công văn yêu cầu Thanh tra Chính phủ cần sớm thanh tra việc cấp phép nhập khẩu và đăng ký lô hàng thuốc đối với doanh nghiệp này trước ngày 31/12. Xin hỏi Thanh tra Chính phủ kết quả thanh tra ban đầu như thế nào? Xin hỏi đại diện Bộ Y tế, qua vụ việc này cho thấy lỗ hổng lớn trong việc truy xuất nguồn gốc thuốc cũng như kiểm tra quá trình lưu hành thuốc. Mới đây, trong Công văn 4338 của Cục Quản lý dược có đề cập doanh nghiệp nhập khẩu thuốc Việt Nam đã hoàn tất thủ tục GMP – thực hành bảo quản thuốc tốt. Điều này có thể hiểu rằng các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc và phân phối thuốc của Việt Nam đã bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát về lưu hành các lô thuốc hay chưa để tránh tình trạng lỗ hổng tương tự như vụ VN Pharma?
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam trả lời: Đến thời điểm hiện tại, việc thanh tra vụ VN Pharma cơ bản hoàn thành xong. Về nội dung kết quả bước đầu của vụ việc, sau khi có các kết luận, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, chúng tôi sẽ công khai minh bạch thông tin.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trả lời: Theo Công văn 4338 của Cục Quản lý dược về nhập khẩu thuốc, thường cấp visa mất rất nhiều thời gian vì phải có đầy đủ giấy tờ liên quan như nguồn gốc, xuất xứ…. Nhưng ở đây chỉ kiểm tra các giấy tờ gốc, vì nhiều khi lô hàng có giá trị nhỏ thôi, không thể bay sang tận nơi kiểm tra được. Trừ một số giấy tờ giả mạo, còn lại giấy tờ đúng theo quy định thì đều đảm bảo chất lượng. Các lô hàng mà Cục Quản lý dược cấp visa chậm là vì phải có thời gian truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
7. Xin được hỏi đại diện Bộ Tài chính về dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường, Bộ có đề xuất điều chỉnh khung mặt hàng xăng dầu. Lĩnh vực này không chỉ ảnh hưởng đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng hoá dịch vụ, mà còn có thể tác động đến tăng trưởng, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bộ Tài chính có tính đến kịch bản để có biện pháp giảm thiểu hay chưa? Xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Thủ tướng có ý kiến gì về vấn đề này không?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời: Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp ý kiến và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo chương trình sẽ trình Chính phủ Nghị quyết này. Trong các phương án dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường cũng đã điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường, ví dụ đối với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng. Đối với một số loại như dầu, than cũng điều chỉnh tăng lên. Việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Và trong quá trình chúng ta hội nhập, cắt giảm nhập khẩu theo các hiệp định thuế quan. Một thời Nghị quyết 25 của Quốc hội cũng đã nêu rõ những định hướng trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.
Việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường. Đồng thời cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Nội dung của việc trình Nghị quyết này cũng đã được kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp khi Chính phủ trình dự án luật. Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ cho lùi lại đến năm 2019.
Đối với thuế bảo vệ môi trường tác động đến chỉ số giá cả như thế nào, Bộ Tài chính cũng có những phân tích tác động cũng như đánh giá những tác động khi điều chỉnh mức thuế này. Theo chúng tôi phân tích, đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.
Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, chỉ tiêu tốc độ về tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%, như vậy tác động khi tăng Thuế bảo vệ môi trường chúng tôi cũng đã phân tích, việc tăng thuế này sẽ thực hiện được mục tiêu sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và cũng góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng hàng hoá thân thiện với môi trường như xăng E5, xăng E10, dầu diezel D5, D10, túi nylon thân thiện với môi trường… Từ đó, giảm rác thải ô nhiễm môi trường và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.
8. Trong nửa đầu tháng 3, trên mạng xã hội, người có nickname Minh Phương đã lan truyền thông tin 2 mẹ con tử vong vì sinh thuận tự nhiên, sau đó Bộ Y tế lên tiếng là không có sự việc này và đề nghị Bộ TT&TT, Bộ Công an vào cuộc xác minh và xử lý nếu có vi phạm. Xin hỏi kết quả của việc xác minh này như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trả lời: Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã đi điều tra, hoàn toàn không có vụ việc như vậy. Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bộ TT&TT và Bộ Công an đề nghị tìm ra ai là người đăng tin như vậy để xử lý theo đúng pháp luật hiện hành. Chúng tôi cũng đã trả lời là nếu để sinh theo tự nhiên như thế thì nguy cơ tử vong rất cao. Người ta chỉ cho phép sinh theo tự nhiên nếu thuận lợi và trong trường hợp không thể thuận lợi sinh theo tự nhiên thì phải can thiệp bằng cách này, cách nọ. Còn dân ta nhiều khi không có chỉ định mổ cũng “Bác ơi cho em mổ!”, rồi đến bây giờ lẽ ra phải mổ thì “Bác ơi cho em cứ tự nhiên!”. Chính vì thế mới sinh chuyện. Tốt nhất là nghe theo chuyên môn.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo trả lời: Sau khi có thông tin như vậy, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ TT&TT, đề nghị xác minh địa chỉ Facebook có tên Minh Phương. Bộ TT&TT đang tiến hành xác minh nhưng trên thực tế xác minh một nick không đơn giản, cần có thời gian. Khi có kết luận chúng tôi sẽ thông báo.
9. Vào giữa năm 2017, VPCP đã công khai 1 văn bản nêu đích danh một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa nhưng không lên sàn chứng khoán. Sau đó, VPCP đã có đề nghị Bộ Tài chính, UBCK, các đơn vị liên quan thúc đẩy việc đưa DN lên sàn. Tuy nhiện hiện nay số lượng DN lên sàn rất ít. Hiện tại, UBCK mới chỉ xử lý 1 trường hợp đầu tiên về lỗi chậm đưa cổ phiếu lên sàn thôi. Xin phép hỏi giải pháp Chính phủ cũng như Bộ Tài chính thúc đẩy DN đưa cổ phiếu lên sàn như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trả lời: Chỉ số VN-Index thời điểm hiện nay so với tháng trước đã tăng khoảng 19%, và có thể nói mức vốn hóa thị trường tăng 17% so với cuối 2017, vào khoảng 82,2% GDP, chưa tính trái phiếu, chỉ tính cổ phiếu. Hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch thì thị trường hiện có 741 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn, 723 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Phải nói là số cổ phiếu niêm yết và đăng ký giao dịch tăng liên tục. Chỉ số VN-Index trong quý I năm nay tăng vượt mức tăng cao nhất của đỉnh năm 2007-2008. Sự phát triển của thị trường chứng khoán cũng được đánh giá là một trong những xu hướng rất tốt trong năm nay.
Các giải pháp thúc đẩy DN lên sàn thế nào? Bộ Tài chính đã chỉ đạo và triển khai nhiều giải pháp. Trong đó hiện nay Bộ đang sửa đổi trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật Chứng khoán sửa đổi. Đây là cơ sở pháp lý đánh giá tổng kết và trình Luật sửa đổi này để tạo điều kiện cho thị trường phát triển hơn. Ngoài ra, chúng tôi có nhiều giải pháp về mặt quản lý.
Về thúc đẩy các DN lên sàn, vừa qua Bộ Tài chính đã công khai hơn 700 DN đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết. Sau khi Bộ công khai như vậy, các DN đã thực hiện, hiện nay hơn 1/2 số đó đã niêm yết. Các DN còn lại đang chuẩn bị quy trình thủ tục để niêm yết. Đối với DNNN, chúng tôi đang có giải pháp làm sao thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, tạo nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra thì phát triển đa dạng các loại thị trường khác như chứng khoán phái sinh, đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán. Thanh tra giám sát chứng khoán cũng cần được tăng cường để xử lý nghiêm vi phạm của các DN từ đó thúc đẩy thị trường chứng khoán ngày càng lành mạnh hơn và phát triển tốt.