Hội thảo "Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử" tại Thành phố Hồ Chí Minh
(1) Chia sẻ và thảo luận về thực trạng phát triển thương mại điện tử và các hành vi vi phạm phổ biến liên quan đến hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
(2) Làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực thương mại điện tử;
(3) Chia sẻ kinh nghiệm của một số sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam (Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn và Fado.vn) về các giải pháp phòng chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử;
(4) Định hướng công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục TMĐT và KTS, thương mại điện tử là lĩnh vực kinh doanh mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng đang có sự phát triển đột phá, mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua là từ 25% -30%/năm. Năm 2018, tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử (B2C) đạt trên 8 tỷ đô la Mỹ.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh: tuy thương mại điện tử phát triển nhanh và bùng nổ, nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến. Trong đó, người dùng thường bị rơi vào các trường hợp sau: người bán hàng cung cấp thông tin về sản phẩm không đầy đủ, không chính xác về thành phần; không thực hiện trách nhiệm cung cấp hoá đơn, chứng từ giao dịch; vi phạm trách nhiệm về bảo hành, giao, nhận, đổi, trả hàng hoá; giao hàng hỏng nhưng không thu hồi lại; huỷ đơn hàng không có lý do, v.v...
Đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng cùng các doanh nghiệp tham gia cũng bày tỏ những khó khăn trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại các địa phương, đặc biệt trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng để hỗ trợ giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Các đơn vị cũng kiến nghị cần tuyên truyền nhiều hơn để người dân và doanh nghiệp hiểu và phòng tránh trước những phương thức thủ đoạn mới lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền SHTT. Một số doanh nghiệp đề xuất tổ chức hội thảo bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đối với một số lĩnh vực dịch vụ như du lịch trực tuyến.
Trong thời gian tới, Cục TMĐT và KTS sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và một số đơn vị liên quan tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn các chuyên đề khác nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và trong việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT.