Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình xử phạt và truy thu thuế gần 9 tỷ đồng
Tại điểm cầu Hòa Bình, dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi Đức Hinh Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh. Cùng các đồng chí lãnh đạo, đại diện các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; và lãnh đạo, trưởng các Phòng chuyên môn Cục QLTT.
Trên địa bàn tỉnh, trong 06 tháng đầu năm 2020, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã nhanh chóng triển khai Kế hoạch công tác năm 2020, chỉ đạo các lực lượng chức năng tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt quan tâm đến những vấn đề nổi cộm, đột xuất trên thị trường mà dư luận và người dân quan tâm. Kịp thời tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong đó lực lượng QLTT và Công an chủ công trong công tác chống đầu cơ, tăng giá, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn. Đồng thời, đã công bố đường dây nóng đã tiếp nhận, xử lý thông tin tố giác về các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hoạt động đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hoà Bình luôn duy trì và là địa chỉ tin cậy tiếp nhận, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong 06 tháng đầu năm, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã tổ chức 01 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm cho 101 tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và tổ chức ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới 16 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược và vật tư y tế; tuyên truyền, hướng dẫn ký cam kết đến 156 cơ sở kinh doanh thuốc lá. Phối hợp với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Hòa Bình tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính trên địa bàn tỉnh, trong đó đã: tổ chức 03 điểm tư vấn, tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cấp phát 1.300 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật tại địa bàn các xã thuộc các huyện Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm lực lượng Kiểm lâm cử cán bộ bám sát địa bàn, phối hợp với các ngành, đoàn thể, bằng nhiều biện pháp, hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, băng đĩa, tờ rơi và lồng ghép vào các cuộc họp thôn, bản, để tuyên truyền các văn bản về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR tới các tầng lớp Nhân dân; Cấp phát 37.500 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn và hướng dẫn lựa chọn thực phẩm an toàn…
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ tuyến tỉnh đến địa phương đã được các Sở, Ngành, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố quan tâm, thực hiện, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách, được nhân dân, các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 584 vụ (bằng 71,7% so với cùng kỳ năm 2019). Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế: 8.810.090.000 đồng. Trong đó: Tổng số tiền phạt VPHC: 3.127.290.000 đồng (bằng 82,9% so với cùng kỳ năm 2019); Tiền thu phạt bổ sung và truy thu: 5.678.000.000 đồng; Tiền bán thanh lý, hàng tịch thu: 4.800.000 đồng (trong đó: Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 404 vụ (407 hành vi), thu nộp NSNN 942.988.000đ (bằng 75,31% so với cùng kỳ), trị giá hàng hóa tịch thu 45.925.000đ; Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 38 vụ vi phạm; thu nộp NSNN 291.100.000đ (bằng 37% so với cùng kỳ năm 2019); Lực lượng Kiểm lâm phát hiện, xử lý 26 vụ vi phạm; thu nộp NSNN 227.750.000đ (bằng 312,1% so với cùng kỳ năm 2019); Cơ quan Thuế tiến hành thanh tra, kiểm tra 73 doanh nghiệp; thu nộp NSNN 7.123.000.000đ (bằng 101,9% so với cùng kỳ năm 2019); Cơ quan Thanh tra chuyên ngành đã phát hiện, xử lý 35 vụ vi phạm; thu nộp NSNN 214.200.000đ (bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2019); Chi Cục hải quan Hòa Bình đã phát hiện, xử lý 08 vụ vi phạm, thu nộp NSNN 78.252.000đ, hành vi vi phạm chủ yếu về các thủ tục hải quan).
Kiểm soát giết mổ được tổng 343 con trâu, bò; 6.672 con lợn; 89.190 con gia cầm; kiểm dịch được 529.743 con lợn giống và lợn thương phẩm; 15.123.626 con gia cầm giống; 2.040.535 con gia cầm thương phẩm; 8.573.433 quả trứng giống. Duy trì và tăng cường hoạt động tại 10 chốt kiểm dịch.
Phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phối hợp giữa các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đầu mới giao thông, điểm tập kết hàng hóa. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Hàng hoá vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng hoá vi phạm pháp luật về giá, gian lận thuế và các hành vi gian lận thương mại khác. Gắn công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực thương mại đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Các cơ quan thành viên BCĐ 389 tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch số 48/KH-BCĐ ngày 28/02/2020 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020.
- Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động luôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn.
- Các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Tài chính, Khoa học - Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Văn hoá - Thể thao và du lịch, Giao thông vận tải và các huyện, thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành việc chấp hành các quy định về chất lượng hàng hoá, nhất là hàng hoá thiết yếu, kiểm tra về giá, niêm yết giá hàng hoá; kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, chế biến thực phẩm; tăng cường công tác kiểm tra, phòng chống dịch bệnh trên người và gia súc, gia cầm.
- Các Ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố chủ động nắm bắt địa bàn, đối tượng, các tụ điểm, nơi tập kết hàng; thường xuyên phối hợp chia sẻ thông tin về đối tượng, mặt hàng mà các đối tượng thường buôn lậu, phương thức thủ đoạn, nhất là những thủ đoạn mới phát sinh. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công, phụ trách, quản lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong công tác thực thi pháp luật đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; Triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm nông lâm thủy.