19/5/2020: Kiểm tra, giám sát 33 cơ sở kinh doanh thiết bị y tế
Công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của lực lượng QLTT từ 12h00 ngày 18/5 đến 12h00 ngày 19/5/2020 cụ thể diễn biến thị trường tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng lượng dự trữ hàng hóa nên nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đối đầy đủ.
Điển hình, tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa dồi dào và giá cả tương đối ổn định. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo khuyến cáo của Bộ Y tế; các lĩnh vực kinh doanh vũ trường, dịch vụ karaoke vẫn tiếp tục tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND Thành phố.
Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục đôn đốc lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn, vật tư y tế.
Kết quả kiểm tra, xử lý
- Ngày 19/5/2020:
Số vụ kiểm tra, giám sát: 33
- Lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 19/5/2020:
Số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng QLTT: 9.187
Số tiền xử phạt vi phạm hành chính: 4,73 tỷ đồng
Vụ việc kiểm tra, xử lý
Trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục QLTT Bình Phước đã xử lý 15 vụ việc, phạt tiền 21,25 triệu đồng. Ngoài ra, các Đội QLTT đã tổ chức tuyên truyền, vận động 532 cơ sở ký bản cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa đặc biệt là nhóm hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Cục QLTT Bình Phước tiếp tục yêu cầu các Đội QLTT chủ động tăng cường công tác quản lý địa bàn nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh.