Sử dụng bền vững và tối ưu hoá tài nguyên thiên nhiên
Cùng lan tỏa thông điệp trên, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2021 (từ ngày 1 đến 8/6) cũng lựa chọn chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. Đây là một trong những mục tiêu đặt ra nhằm cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết 26/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT đã đưa ra các khẩu hiệu tuyên truyền, gồm: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người dân; chung tay góp sức vì biển đảo quê hương; Hoàng Sa, Trường Sa luôn trong tim chúng ta; đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam; kinh tế xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam; bảo đảm sinh kế cho người dân để phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; hãy hành động vì sự phát triển bền vững của đại dương và hệ sinh thái biển; phát triển bền vững kinh tế biển - không một ai bị bỏ lại phía sau; bảo vệ đại dương khỏi nhựa là bảo vệ tương lai của con người.
Đối với Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường, Bộ TN&MT cho biết, năm 2021, Chương trình môi trường LHQ lựa chọn chủ đề Ngày Môi trường thế giới (5/6) là “Phục hồi hệ sinh thái” với thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
Vì thế, để hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay, thực hiện cam kết của LHQ về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (2021-2030), thúc đẩy các hoạt động đảo ngược tình trạng suy thoái các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường của nước ta, Bộ TN&MT đã đưa ra 10 khẩu hiệu tuyên truyền chính như: Sống hài hoà với thiên nhiên - bảo tồn đa dạng sinh học; Trái đất cần chúng ta! Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu; ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái đa dạng sinh học.
Đặc biệt, các khẩu hiệu cũng hướng tới việc thay đổi hành vi từ những việc làm nhỏ, như hãy sử dụng đồ dùng từ vật liệu tái chế; đánh bắt hải sản sai cách là phá hủy cân bằng sinh học; sử dụng nguồn nguyên liệu xanh là góp phần bảo vệ môi trường; ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, các sản phẩm từ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ; sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên đa dạng sinh học; đa dạng sinh học - hành trình duy trì sự sống; hành động vì thiên nhiên - trách nhiệm của chúng ta.
Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT kêu gọi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân cùng đưa ra sáng kiến để phục hồi hệ sinh thái của Việt Nam, đồng thời quyết tâm hành động thực hiện đồng bộ các giải pháp dựa vào thiên nhiên; xây dựng và thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng bền vững và tối ưu hoá tài nguyên thiên nhiên.
Ở cấp địa phương, địa bàn cần phải giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải, rác thải; thu gom rác thải hai bên bờ và trên mặt nước biển, các sông, suối, ao hồ, phục hồi thảm thực vật trên các vùng đất ngập nước nước; kiểm soát hoạt động đánh bắt thuỷ hải sản theo hướng bền vững; khuyến khích triển khai các công trình bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, chương trình toạ đàm, đối thoại, giao lưu trực tuyến và trên nền tảng mạng xã hội; góp phần phát triển phong trào bảo vệ môi trường, tài nguyên, môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
Chúng ta có thể giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên bằng việc sử dụng tiết kiệm các nguồn tài nguyên trong sinh hoạt hằng ngày, tập thói quen từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa và đồ nhựa sử dụng một lần.