Phát triển bền vững và sản xuất thân thiện với môi trường: xu thế kinh doanh trên toàn cầu
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Phát triển bền vững và sản xuất thân thiện với môi trường đang là xu thế kinh doanh toàn cầu. Các tập đoàn, công ty ngày càng gia tăng cam kết thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Điển hình như năm 2019, Chủ tịch của Unilever Global Group đã cam kết đến năm 2025 sẽ cắt giảm 50% lượng sử dụng nhựa nguyên sinh, đồng thời tăng sử dụng nhựa tái chế trong quá trình đóng gói; Heineken Việt Nam đã thông báo rằng 99,01% sản phẩm phụ và rác thải của công ty trong quá trình sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
“Hậu Covid-19 sẽ là cơ hội thu hút đầu tư để tái khởi động nền kinh tế. Việt Nam nên tận dụng để theo đuổi các lựa chọn phát triển tối ưu cho cả 3 mục đích: Phục hồi nền kinh tế xanh, thông qua các gói kích cầu do Chính phủ đưa ra; chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững hơn, sản xuất sản phẩm xanh để đáp ứng nhu cầu gia tăng của người tiêu dùng; thúc đẩy các hành động chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm rủi ro xuất hiện các đại dịch trong tương lai và các sự kiện thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra” - bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam khuyến nghị.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam
Liên quan đến chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển bền vững, đại diện UNDP cho biết, CBI là sáng kiến trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ toàn cầu của UNDP về đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Đức, Chính phủ Tây Ban Nha và Liên minh Châu Âu (EU). Mục tiêu tổng quát của CBI là nhằm cung cấp một nền tảng để Chính phủ và doanh nghiệp phối hợp làm việc với nhau về chuyển đổi kinh tế xanh, phát triển bền vững.
CBI bao gồm các thông báo tự nguyện về đóng góp của các doanh nghiệp liên quan tới biến đổi khí hậu để xác định nhu cầu đầu tư, cơ hội tài trợ tiềm năng. CBI cũng có thể dùng giải quyết nhu cầu về nâng cao năng lực để hỗ trợ chuyển đổi hướng tới kinh doanh xanh và bền vững. Thông qua CBI, một hệ thống dữ liệu, báo cáo và đánh giá các doanh nghiệp sẽ được xây dựng về nhận thức và hành động để chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các chuyên gia CBI sẽ đánh giá thông tin doanh nghiệp đăng ký, sau đó phân loại thành 3 cấp độ, bao gồm: Các doanh nghiệp có nhận thức về phòng ngừa biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; các doanh nghiệp đã có thay đổi và thích ứng trong các hoạt động sản xuất và kinh doanh theo hướng chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; các doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp trong hoạt động chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững và sản xuất thân thiện với môi trường không chỉ là xu thế kinh doanh trên toàn cầu đang hướng tới. Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động hướng tới phát triển kinh tế xanh, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2017, Công ty Heineken Việt Nam thông báo rằng 99,01% sản phẩm phụ và rác thải của công ty trong quá trình sản xuất sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế. Năm 2019, Unilever Global Group cũng đã cam kết đến năm 2025, doanh nghiệp này sẽ cắt giảm 50% việc sử dụng nhựa nguyên sinh, đồng thời tăng sử dụng nhựa tái chế trong quá trình đóng gói... Ngoài Heineken, Unilever Global Group, còn có nhiều doanh nghiệp khác tại Việt Nam cũng đã cam kết và đang từng bước chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn...
Tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều có thể đăng ký tham gia chương trình CBI thông qua địa chỉ trang web: //cbi.undp.org.vn/. Tính đến tháng 6 năm 2020, đã có 115 doanh nghiệp đăng ký CBI, bao gồm một số công ty toàn cầu, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, doanh nghiệp lớn trong nước và cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.