Nguồn năng lượng tái tạo trong nước cần được ưu tiên phát triển
Ngày 11/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học góp ý cho Quy hoạch điện VIII. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Quy hoạch điện VIII là một quy hoạch ngành quan trọng và rất phức tạp vì cả đầu vào và đầu ra của quy hoạch đều có ảnh hưởng lớn tới nhiều lĩnh vực của đời sống. Vì vậy, sự tham gia và góc nhìn đa chiều của các bên là rất quan trọng để đảm bảo một quy hoạch toàn diện, khả thi trong thực tiễn, tránh những khiếm khuyết của quy hoạch giai đoạn trước.
Tại buổi tọa đàm, PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhấn mạnh: “Bên cạnh đảm bảo tính khoa học và đa chiều, quá trình xây dựng và ban hành Quy hoạch điện VIII cần đảm bảo tính công khai minh bạch và tính chịu trách nhiệm của những chuyên gia tham gia hội đồng thẩm định.”
Với vai trò của một cơ quan tập hợp đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ của thủ đô, thông qua tọa đàm này Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội mong muốn chia sẻ góc nhìn khoa học trong các lĩnh vực khác nhau để đóng góp cho Quy hoạch điện VIII mang tính khả thi cao, bắt kịp với tiến bộ của thế giới và bảo vệ sức khỏe của người dân Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Minh Duệ, chuyên gia kinh tế năng lượng chia sẻ: “Để thực sự giải phóng được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thị trường điện cạnh tranh, đảm bảo sự tham gia công bằng của các nhà đầu tư và thu hút được nguồn lực xã hội cho phát triển năng lượng.”
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho rằng: “Sự phát triển nhanh của khoa học – công nghệ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cho phép các quốc gia đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch năng lượng mà vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, xã hội. Đây là cơ hội Việt Nam không nên bỏ lỡ.”
Kết thúc buổi tọa đàm, các chuyên gia đều đưa ra thông điệp cần phải ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, lưới điện và cải tiến quản lý vận hành hệ thống để tận dụng tối đa nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo của Việt Nam.