Đánh giá của Ban TPM về kết quả triển khai TPM tại nhà máy đóng tàu Hồng Hà
Các bước thực hiện
Ngay từ khi bắt đầu triển khai TPM, nhà máy đã tổ chức đào tạo TPM cho các cán bộ quản lý và nhân viên vận hành của 4 phân xưởng, qua đó, bắt đầu thực hiện trụ cột Tự bảo dưỡng bằng việc treo thẻ đỏ tại phân xưởng.
Sau 2 tháng triển khai, phần lớn nhân viên các phân xưởng đã treo thẻ đỏ ngay khi quan sát, phát hiện các bất thường về máy móc, dụng cụ.
Từ tháng thứ 3, nhà máy tổ chức đào tạo trụ cột PM (bảo trì có kế hoạch) cho các cán bộ quản lý các phân xưởng. Sau buổi đào tạo, các máy, thiết bị quan trọng đã được hoạch định và bắt đầu theo dõi theo biểu mẫu TPM về các sự cố.
Việc thực hiện trụ cột PM được thực hiện tập trung vào việc Loại bỏ nguyên nhân máy xuống cấp do chủ quan, khắc phục và bảo dưỡng những điều kiện căn bản.
Đánh giá của đại diện ban TPM về kết quả triển khai
Anh Lê Văn Chung – Trưởng phòng Kỹ thuật cho biết: “Mục đích chính khi áp dụng TPM tại công ty là mang lại năng suất về quản lý trang thiết bị toàn diện (là mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt), và trong đó bao hàm các góc độ về kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở mục tiêu này, Ban TPM đưa ra từng mục tiêu cụ thể. Ví dụ: Về góc độ kỹ thuật, việc đầu tiên là TPM giúp cho người thợ, đặc biệt là người trực tiếp vận hành ý thức được việc cần chăm sóc máy móc mình được giao, quản lý, sử dụng làm sao đạt hiệu quả.
Để sử dụng hiệu quả đạt được mục tiêu (1) giảm thời gian dừng máy do hư hỏng; (2) phát hiện sớm các hư hỏng để tránh những hư hỏng nặng, và (3) nâng cao ý thức tự giác cho từng người thợ quản lý máy trong quá trình khai thác, để luôn chăm sóc máy, đảm bảo máy luôn chạy tốt, hiệu quả và duy trì số giờ hoạt động, thì cần thực hiện từ khâu vệ sinh máy móc thiết bị hàng ngày. Về góc độ kỹ thuật, vận hành máy tốt, thì dẫn đến chất lượng sản phẩm sẽ nâng lên (ngược lại, máy suốt ngày hỏng, không sạch thì sản phẩm tạo ra không thể đạt chất lượng được). Từ góc độ kỹ thuật của máy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Và khi kỹ thuật và chất lượng đều tốt, TPM giúp ta phát hiện từ sớm các sai lỗi, qua đó ngăn chặn được các hư hỏng lớn, qua đó giảm chi phí thay thế, sửa chữa vật tư, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất toàn diện”.
Chương trình TPM mới áp dụng đối với 4 phân xưởng, nhưng cũng đã đạt được các mục tiêu đề ra. Ban TPM nhận thấy, trong thời gian vừa qua, chỉ riêng hoạt động AM, đã giúp đạt được hai hiệu quả cụ thể:
- Tại các máy móc, việc treo thẻ đỏ TPM đã chủ động giúp phát hiện ra các lỗi hư hỏng nhẹ, để từ đó người thợ chủ động tự khắc phục; việc tự khắc phục giúp loại bỏ thời gian chờ thợ đến sửa chữa, hay chờ nhân viên kỹ thuật đến khảo sát để đưa ra phương án. Nhờ có hoạt động treo thẻ, người thợ đã chủ động tự sửa (trừ những lỗi lớn).
- Trong quá trình thực hiện TPM, máy móc khi phát hiện sớm lỗi, dẫn đến ngăn chặn được các sai lỗi lớn, nên chất lượng, tuổi thọ của máy móc, trang thiết bị cũng sẽ tốt hơn, dẫn đến chất lượng của sản phẩm thực hiện trên các máy đó cũng sẽ tốt hơn.
Qua hơn 6 tháng thực hiện, và thấy được hiệu quả của chương trình TPM, Ban TPM của công ty cũng sẽ đề xuất mục tiêu TPM trong thời gian tới: (1) Chương trình lan tỏa trong toàn nhà máy (mở rộng phạm vi áp dụng từ 4 phân xưởng lên toàn nhà máy); (2) nâng cao nhận thức của nhân viên toàn nhà máy để ai cũng nhận thức được hiệu quả của chương trình TPM này, để áp dụng một cách tự giác trong thời gian tiếp theo.
Văn phòng NSCL