Xin hãy cứu làng tôi
“Cá kho Đại Hoàng”, “mắm cáy Bình Lục”, “Chuối Ngự đồng chiêm”…là những đặc sản mà chúng tôi khi xa quê hay những du khách thập phương khi đặt chân tới Hà Nam không thể nào quên. Bên cạnh những đặc sản tuyệt vời này thì nơi tôi đang sống còn được biết đến với làng nghề truyền thống Dệt vải.
Về đến Hòa Hậu, Lý Nhân những ngày này các bạn sẽ thấy rộn ràng với những âm thanh “xình xịch” của tiếng máy dệt thủ công cũng như công nghiệp. Nhà nhà dệt vải, người người dệt vải. Ăn bên khung cửi, ngủ bên đống vải để trả kịp đơn hàng của những tháng cuối năm.
70% số hộ dân của làng tôi sống bằng nghề dệt và may. Ở đây, ngoài những hộ tiểu thủ công nhỏ lẻ thì còn có rất nhiều nhà máy như Công ty TNHH Dệt may Châu Giang, Công ty TNHH Dệt may Thịnh Cường …nên đã giải quyết công ăn việc làm cho một phần không nhỏ nhân dân trong làng.
Sông Châu Giang quê tôi
Nhưng, mọi chuyện chỉ dừng lại ở làm ăn, sinh hoạt, cùng thưởng thức đặc sản quê hương thì tốt biết mấy. Những ngày này, trong làng xôn xao về chuyện gia đình bà H đã mất người con thứ 2 vì bệnh ung thư. Cái bệnh mà chỉ nghe thôi cũng nẫu hết ruột gan rồi. Tìm hiểu thêm về vấn đề này, tôi nghe các cô bác kể lại, làng có nhiều người ung thư lắm. Mặc dù vẫn đang sinh sống trong làng, nhưng nhiều người không ngần ngại gọi làng mình đang sống là “làng ung thư” bởi số người bị mặc căn bệnh ung thư nhiều vô kể. Có một dãy, cứ cách vài ba nhà là có ít nhất một người mắc bệnh “ung thư” và chết vì “ung thư”.
Hỏi mẹ tôi về vấn đề này, ánh mắt buồn buồn, mẹ tôi nói: “Chỉ mỗi đoạn đường đầu cầu phao này (xóm 16, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam), dài chưa đầy 500m mà vài năm trở lại đây đã có tới gần 20 người chết vì ung thư. Ông Trần Xuân Sách bị chết vì ung thư phổi), em trai ông là Trần Xuân Thoan chết vì ung thư gan, ông Trần Xuân Mai bị ung thư dạ dày. Dưới một chút là anh Thêm, anh Hùng. Phía trên là anh Hải, chị Nghiêm, chị Xuyến, anh Đệ. Trên này là anh Xuân, con chị Liên… Cứ thế, danh sách người chết vì ung thư được mẹ tôi thống kê lên tới vài chục người. Chưa kể những người đang mang trong mình căn bệnh này cũng phải lên đến con số trên dưới chục người. Các bệnh ung thư thường gặp là ung thư phổi, gan, dạ dày, ung thư vú, ung thư tử cung.
Đầu óc tôi quay cuồng và văng vẳng hai chữ “ung thư”.
Theo như tôi nhớ, năm 2001, Viện Địa lý (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và công bố kết quả chất lượng nguồn nước ngầm ở một số địa phương thuộc Hà Nam và Thái Bình, theo đó hàm lượng asen trong nước ngầm ở những địa phương này rất cao. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì mức độ ô nhiễm asen của Hà Nam ở mức cao trên thế giới. Tình trạng bệnh tật ở đây cũng được UNICEF cảnh báo với trên 28,3% bị các bệnh về da (so với tỷ lệ trung bình cả nước là 3-5%), tỷ lệ ung thư các bộ phận tiêu hóa và tiết niệu cao… Ngoài nguyên nhân trên, nhiều người dân trong xã cho rằng, tình trạng ung thư gia tăng đột biến ở đây một phần có thể do ô nhiễm hóa chất độc hại do các cơ sở dệt nhuộm gây ra. Được biết xã Hòa Hậu có nghề dệt nhuộm truyền thống lâu đời. Trước đây, tất cả nước thải của các cơ sở dệt nhuộm này đều được thải ra sông Châu Giang hoặc đổ xuống các ao cạnh nhà nên gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng khiến cá tôm cũng không sống được. Trong khi đó, người dân ở đây hiện nay lại bơm nước trực tiếp từ sông ngay phía dưới dòng chảy mà các cơ sở dệt nhuộm thải hóa chất ra để ăn uống, sinh hoạt.
Có những thời điểm cá chết nổi trắng mặt sông...
Người dân bơi thuyền để vớt cá chết
Chưa bao giờ đầu óc tôi lại thấy choáng váng như hiện nay, đâu đâu cũng nghe thấy hai tiếng “ung thư”. Mọi người khi nhắc đến hai từ này không còn ngập ngừng như trước nữa, cũng bởi nó xảy ra quá nhiều, quá dàn trải và quá đại chúng mất rồi.
Tôi thấy sợ, sợ cho bố tôi, mẹ tôi, sợ cho anh, chị và đặc biệt là cháu tôi. Thế hệ của chúng nó không biết sẽ phải hứng chịu những gì ở độ tuổi này và trong tương lai kia. Hiện tại, Trung tâm y tế huyện cũng không thể thống kê hết số người đang mang trong mình căn bệnh ung thư. Trong khi đó số lượng người chết vì bệnh ung thư vẫn tăng lên hàng năm. Người dân ở đây thì hoang mang lo sợ, không thể tự lý giải được nguyên nhân nhiễm bệnh. Nhiều người cho rằng do nguồn nước bị nhiễm Asen, có người lại bảo do bị thải chất độc từ thuốc nhuộm vải. Những nghi ngờ của người dân không phải không có căn cứ. Theo quan điểm của tôi, rất cần sự vào cuộc một cách có trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn để người dân ở đây có thể yên tâm sinh sống. Và điều trước tiên cần làm là nghiên cứu về chỉ số an toàn của dòng nước, cái mà chiếm tới 70% cơ thể con người.
Quyên Lưu