Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới 2020: Vì một hành tinh xanh và "đa dạng sinh học"
Ngày Môi trường thế giới năm 2020: Tập trung vào đa dạng sinh học
Trong những năm qua, Ngày Môi trường thế giới đã trở thành sự kiện toàn cầu, được hàng triệu người ở hơn 100 quốc gia, tổ chức tham gia.
Chủ đề Ngày môi trường thế giới năm 2018 là “Beat Plastic Pollution – Giải quyết ô nhiễm nhựa”. Sự kiện này được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ. Với chủ đề này, Liên Hợp Quốc mong muốn ô nhiễm nhựa và nilon sẽ được kiểm soát và ngày càng giảm bớt.
Chủ đề hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019 là “Ô nhiễm không khí” nhằm kêu gọi tất cả các quốc gia, cộng đồng và xã hội cùng hành động để cải thiện chất lượng môi trường không khí ở tất cả các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.
Theo Chương trình Môi trường của LHQ, năm 2020 là năm dành cho sự cấp thiết, tham vọng và hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên, là cơ hội để kết hợp đầy đủ hơn các giải pháp dựa trên thiên nhiên vào hành động khí hậu toàn cầu.
Năm 2020 cũng là một năm quan trọng đối với các quốc gia cam kết bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học, với việc Trung Quốc tổ chức cuộc họp lần thứ 15 của Hội nghị các bên (COP15) cho Công ước LHQ về đa dạng sinh học ở Côn Minh, tạo cơ hội để năm tiếp theo bắt đầu Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của LHQ (2021-2030), nhằm tăng cường đồng loạt việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và phá hủy để chống khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, cung cấp nước và đa dạng sinh học.
Ngày 11/12/2019, tại Madrid, Tây Ban Nha, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) đã công bố chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2020 sẽ tập trung vào đa dạng sinh học. Ngày Môi trường thế giới năm 2020 sẽ do Cộng hòa Colombia phối hợp với Cộng hòa liên bang Đức tổ chức.
Ông Jochen Flasbarth, Bộ trưởng Bộ Môi trường của Đức nhấn mạnh: “Không có thời điểm nào tốt hơn hiện nay để đến với nhau trên hành tinh này". Hành động chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học là hai mặt của cùng một đồng xu. Chúng ta cần phát triển các chính sách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài thực vật và động vật. Đức hỗ trợ Colombia và các quốc gia thành viên khác khởi đầu hành động vì đa dạng sinh học trong năm 2020. Theo một báo cáo mang tính đột phá trong năm 2019 của nhóm nghiên cứu “Nền tảng chính sách khoa học liên Chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái" (IPBES), dự báo các diễn tiến tiêu cực hiện nay đối với các hệ sinh thái và đa dạng sinh học sẽ làm suy yếu tới 80% tiến trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc liên quan đến nghèo đói, y tế, tiêu dùng, sản xuất bền vững, nước, đô thị, khí hậu, đại dương và đất đai.
Hành động mỗi ngày để bảo vệ môi trường
Ngày môi trường thế giới đã khiến các vấn đề môi trường trở nên nhân văn hơn. Đồng thời, trao quyền cho mọi người trở thành tác nhân tích cực của sự phát triển bền vững, bình đẳng. Ngoài ra còn nâng cao hiểu biết của mọi người, từ đó thay đổi hành vi của người dân.
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia Ngày môi trường thế giới. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất... Các sự kiện này tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của mọi người luôn tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, khí tượng, động vật hoang dã... qua đó, cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Tại Việt Nam, Chính phủ cùng các Bộ, ngành luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như: phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên; hạn chế việc việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, rác thải kim loại, kim loại độc hại; không lãng phí đồ ăn, thức uống; trồng nhiều cây xanh, bảo vệ nguồn nước; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế...